Sau thời gian bám sát hoạt động bát nháo, sai quy định của các nhà xe tại ngoại ô TP.HCM (phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TP.HCM), chúng tôi tiếp tục di chuyển vào trung tâm TP, nơi đang được nhiều người phản ánh bị “xe dù bến cóc” gây náo loạn.
video-element" data-id="giddKDz1taLVQHc64iqllwa_b_ca_b_c" data-poster="https://cdn-i.vtcnews.vn/upload/2023/11/21/bar01172005still021-14400328.jpg"/>
‘Xe dù, bến cóc’ náo loạn trung tâm TP.HCM.
Trong vai người có nhu cầu di chuyển từ TP.HCM đi TP Vũng Tàu bằng xe khách, chúng tôi lần lượt tiếp cận các nhà xe Hoa Mai, Huy Hoàng đang hoạt động ở trung tâm quận 1 (TP.HCM).
Trên các tuyến đường Nguyễn Thái Bình, Yersin, không khí giao thông lúc nào cũng tất bật. Cứ cách chừng 100m, lại có 1 – 2 chiếc limousine 16 chỗ dừng đỗ bên đường hoặc chạy ra, chạy vào. Trong đó, nhiều chiếc đề tên của các hãng thuộc hàng “tay to” như Huy Hoàng, Hoa Mai cùng những dòng chữ “xe hợp đồng”, “xe du lịch”.
Tại địa chỉ 30 Yersin, cứ cách khoảng 30 phút những chiếc xe Hoa Mai lại xuất hiện dừng trả khách.
Điển hình, 9h, một ngày tháng 11, chiếc limousine gắn mác “xe du lịch” của hãng Hoa Mai bật xi nhan để tấp vào vỉa hè số 30 Yersin. Rất nhanh chóng, tài xế bước xuống từ cửa trước và yêu cầu khách nhanh chóng di chuyển.
Từ trên chiếc limousine, 8 – 9 hành khách bước xuống. Một cô gái khoảng 25 tuổi, dù đã lắc đầu, xua tay từ chối nhưng cô vẫn không thoát được sự đeo bám của nhóm xe ôm. Vài khách khác thẳng thừng từ chối nhóm xe ôm tự quản và tìm quán nước để ngồi, đặt xe ôm công nghệ. Với đống hành lý cồng kềnh, những người này khệ nệ xách vali, túi xách đi bộ sang đường.
Chẳng mảy may quan tâm đến chuyện trả khách ngay địa chỉ 30 Yersin có thể làm cho hành khách rơi vào những tình huống khó xử, tài xế xe Hoa Mai nhanh chóng trở lại buồng lái, nhấn ga đưa chiếc limousine rời đi.
Trong tiếng còi xe inh ỏi, người chèo kéo khách đi xe, kẻ lại hô hào khách nhanh chân di chuyển, không gian huyên náo này khiến “bến cóc” hệt như một bến xe thực thụ.
Hoạt động này diễn ra thường xuyên, trong thời gian dài, đến mức các hộ dân lẫn người đi đường đều quen với việc phải nhường lối đi cho “ông hoàng” này tấp vào, lùi ra bất cứ lúc nào.
Chúng tôi quyết bám theo những chiếc limousine của hãng Hoa Mai để tìm hiểu xem sau khi trả khách thì sẽ di chuyển đi đâu. Tuy nhiên, sau hơn 30 phút đeo bám, chúng tôi nhận ra những chiếc xe trên không có bến bãi cố định.
Cụ thể, sau khi trả khách tại số 30 Yersin, tài xế tiếp tục chạy lòng vòng khắp khu trung tâm quận 1 và dừng ở bất cứ lề đường nào còn trống. Khi đến giờ chạy chuyến mới, tài xế sẽ nhận lệnh từ nhà xe rồi đánh lái đến vị trí đón khách.
Tiếp tục theo dấu xe Hoa Mai, chúng tôi gọi điện đến tổng đài 0889 200 200 để đặt vé đi Vũng Tàu. Nhân viên trực tổng đài đề nghị chúng tôi để lại số điện thoại, họ tên, khung giờ muốn đi và yêu cầu ra địa chỉ 83 Nguyễn Thái Bình (quận 1) sớm 15 phút để chờ lên xe.
Về mức giá, người này cho biết 200.000 đồng/chuyến, không cần đặt cọc, cứ lên xe sẽ có người thu tiền vé.
Chốt giờ đi xong, chúng tôi đến đúng địa chỉ 83 Nguyễn Thái Bình để chờ khởi hành. Từ vị trí này đến địa chỉ nhà xe Hoa Mai trả khách ban đầu khoảng chừng 550m. Có thể thấy, nhà xe Hoa Mai đã khoanh vùng hoạt động ở phạm vi bến đón và bến đi khá gần nhau.
Tại địa chỉ 83 Nguyễn Thái Bình, một bảng hiệu đề chữ “Trạm tiếp nhận khách bến xe Miền Tây – bến xe Vũng Tàu” được dựng kiên cố, là chi nhánh của nhà xe Hoa Mai. Căn nhà này rộng khoảng 20m2, xếp một vài dãy ghế bên trong để khách ngồi đợi.
Địa chỉ này được Công ty TNHH Vận Tải & DVDL Hoa Mai đăng ký với Sở GTVT TP.HCM làm điểm tiếp nhận khách từ Bến xe Miền Tây, tuy nhiên hình thức hoạt động của chi nhánh này không khác gì “bến lậu”.
Nhà xe Hoa Mai thực hiện việc gom khách lẻ hết sức tinh vi thông qua tổng đài điện thoại và trạm tiếp nhận, sau đó lại “hô biến” để khách trở thành người sử dụng dịch vụ “xe du lịch”, còn bản thân nhà xe thì đường hoàng cho những chiếc limousine của hãng di chuyển như xe chạy tuyến cố định.
Để qua mặt cơ quan chức năng, nhà xe Hoa Mai vẫn nhận khách từ tổng đài, lưu lại thông tin. Tuy nhiên, khi đón khách ở trạm tiếp nhận lại đưa thẳng lên xe mà không xuất vé.
Ở trạm tiếp nhận của nhà xe Hoa Mai có 1 quầy dành cho nhân viên. Lúc chúng tôi đến, khoảng 3 nhân viên làm việc tại đây: Người nhận khách trực tiếp, người nghe điện thoại, người ghi chép.
“Ai đi Vũng Tàu thì ra phía trước, xe đến rồi”, một nhân viên hô to. Nói xong, người này cầm theo một tờ danh sách bước ra, ngoài hô tên từng khách.
Tiến đến quầy thu ngân để hỏi nhân viên về chuyến đi đến TP Vũng Tàu của mình, chúng tôi được nhân viên đưa một bản khai, yêu cầu điền đầy đủ thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại). Điền xong, nhân viên bảo chúng tôi ngồi chờ, hãng này sẽ điều xe đến đón ngay trụ sở.
Trường hợp đã liên hệ đặt vé qua tổng đài từ trước, nhân viên sẽ xác nhận họ tên, số điện thoại và cũng yêu cầu điền thông tin cá nhân vào bản khai trên.
Chúng tôi thắc mắc về việc tại sao không có xuất vé, nhân viên này chỉ đáp gọn lọn: “Sẽ có người thu tiền, không cần phải lo”.
Tỏ vẻ lo ngại, chúng tôi tiếp tục: “Không có vé trên tay thì làm sao chắc chắn việc sẽ có xe đón đi? Nếu nhà xe không đón thì chúng tôi phải làm sao?”
Thấy vậy, nhân viên này mới miễn cưỡng giải thích: “Đã lưu lại thông tin khách trên máy tính và bảng danh sách viết tay, khi cần liên lạc, nhân viên nhà xe sẽ gọi bằng số điện thoại anh vừa cung cấp”.
Để không bị phát hiện, chúng tôi điền những thông tin không có thật vào danh sách. Và dĩ nhiên, họ chẳng thể phát hiện. Bởi với họ, điều quan trọng nhất chỉ là số lượng người đi xe, việc thông tin cá nhân đúng hay không, không quan trọng.
Tuy nhiên, lúc này, sự cảnh giác bắt đầu xuất hiện trên nét mặt của nhân viên nhà xe, chúng tôi dừng trao đổi rồi di chuyển sang khu vực ghế ngồi.
Trong lúc đợi, chúng tôi ghi nhận khách ra vào trạm tiếp nhận khách này nườm nượp. Cứ khoảng 30 phút, một nhóm khách 6 – 9 người sẽ di chuyển ra xe theo điều phối của nhân viên.
Đúng giờ khởi hành, một chiếc limousine có chữ “xe du lịch” đỗ xịch dưới lòng đường Nguyễn Thái Bình để đón khách. Từ trong khu vực chờ xe, hành khách khệ nệ hành lý tràn ra vỉa hè xếp hàng.
Tiếng gọi í ới của nhân viên và tài xế vang lên xen lẫn tiếng còi xe. Tên của từng khách sẽ được đọc, ai có tên thì bước lên xe. Khung cảnh náo loạn này dường như đã quá quen thuộc nên chẳng ai nghĩ đến chuyện bất thường của nó.
Mọi thứ đều diễn ra ngay trên vỉa hè, giữa trung tâm quận 1 mà không có bất cứ sự can thiệp nào từ chính quyền địa phương lẫn các cơ quan quản lý.
Sau khoảng hơn 2 tiếng di chuyển, chiếc limousine của nhà xe Hoa Mai đã chở chúng tôi đến trung tâm TP Vũng Tàu.
Quyết bám theo các nhà xe đến cùng, sau khi rời xe Hoa Mai, chúng tôi tiếp tục di chuyển đến chi nhánh nhà xe Huy Hoàng (số 312, đường Nguyễn An Ninh, phường 7, TP Vũng Tàu).
Huy Hoàng là hãng xe có số chuyến vận tải hành khách tuyến TP.HCM – Vũng Tàu nhiều ngang ngửa nhà xe Hoa Mai. Tại TP Vũng Tàu, nhà xe Huy Hoàng cũng thuộc vào loại “có tiếng” vì xe nhiều và hoạt động lâu năm.
Sau 1 hồi hỏi mua vé, chúng tôi được nhân viên nhà xe Huy Hoàng cho biết giá đi ngược lại từ TP Vũng Tàu đến đường Nguyễn Thái Bình (quận 1, TP.HCM) là 200.000 đồng/chuyến.
Trước khi xe lăn bánh, chúng tôi tìm cách tiếp cận các tài xế để hỏi dò. Lúc này, chúng tôi mới phát hiện ra chuyện mỗi tài xế đều được phát 1 bản hợp đồng có dòng chữ ghi “Hợp đồng vận chuyển hành khách bằng xe ô tô”.
Nội dung các bản hợp đồng tương tự nhau. Theo đó, bên A (bên cho thuê vận tải) là Công ty TNHH Đầu tư – Thương mại và Dịch vụ Huy Hoàng, có người đại diện là Giám đốc Lê Ngọc Hải. Còn đại diện bên B (bên thuê vận tải) là một người nào đó có tên N.T.T.
Phần thông tin về người tên N.T.T chỉ có địa chỉ viết vội vàng và số điện thoại, thông tin liên quan đến CCCD/CMND bị bỏ trống.
Nghi ngờ rằng nhà xe Huy Hoàng sử dụng “hợp đồng ma” để biến xe chở khách dạng tuyến cố định thành “xe hợp đồng”, chúng tôi dò hỏi những tờ giấy ghi “Hợp đồng vận chuyển hành khách bằng xe ô tô” dùng để làm gì nhưng các tài xế đều im lặng.
Bước lên chiếc limousine BKS: 72B-028.47 của hãng Huy Hoàng, chúng tôi được yêu cầu điền thông tin cá nhân gồm họ tên, số điện thoại, nơi đi và nơi đến vào bản khai danh sách hành khách.
Sau khi điền, bản khai được tài xe giữ và xếp chung với “Hợp đồng vận chuyển hành khách bằng xe ô tô” đã được công ty Huy Hoàng phát lúc đầu.
Từ khách lẻ mua vé đi từ TP Vũng Tàu đến TP.HCM, chúng tôi bỗng dưng trở thành khách trong một nhóm du lịch nào đó mà không hề hay biết, đồng thời xuất hiện nhân vật bí ẩn thay chúng tôi “ký hợp đồng” thuê xe với hãng Huy Hoàng.
Thông tin người ký hợp đồng vận chuyển hành khách bằng xe ô tô với nhà xe Huy Hoàng là ở đâu ra? Tại sao nhà xe không thông báo cho chúng tôi biết chuyện chiếc limousine mình đang ngồi đã bị biến thành “xe hợp đồng”? Phải chăng, đó là “hợp đồng ma” giúp nhà xe qua mặt cơ quan chức năng khi bị kiểm tra?… là những thông tin mà chúng tôi và nhiều hành khách thắc mắc.
Trước đó, khi vừa lên xe, hãng Huy Hoàng đã “miễn phí” cho chúng tôi đi một vòng quanh TP Vũng Tàu để tài xế tiện đón khách. Xe xuất phát từ địa chỉ 312 Nguyễn An Ninh, tài xế chạy vòng quanh các tuyến đường và không quên gọi điện giục khách ra các địa chỉ đã hẹn từ trước để đợi lên xe.
Để đón toàn bộ khách, tài xế mất khoảng 30 phút chạy khắp TP Vũng Tàu. Những khách nào đã lên xe trước đó hoặc đi từ chi nhánh bán vé như chúng tôi nghiễm nhiên phải chờ đợi.
Đón khách, tài xế không tắt máy xe mà chỉ tấp vội vào đường, bật đèn tín hiệu để tránh việc bị cơ quan chức năng phạt vì dừng đỗ sai quy định. Đón hết người này đến người khác, tài xế xe Huy Hoàng liên tục tay bấm điện thoại, miệng nói ồn ào đọc địa chỉ và câu hiệu lệnh: “Ra đi xe đến rồi”.
Sau 30 phút đón khách, chiếc limousine chở chúng tôi cũng chịu rời TP Vũng Tàu để chạy về quốc lộ 51, hướng đến TP.HCM. Chiếc xe limouse chở chúng tôi cứ băng băng chạy, khách không có vé mà tài xế chẳng mảy may lo lắng. Đến địa phận huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, chiếc limousine bất ngờ rẽ vào một trạm dừng chân.
Cũng giống như Hoa Mai, nhà xe Huy Hoàng thu 200.000 đồng của khách trong lúc tạm nghỉ tại điểm dừng chân trên quốc lộ 51 (thuộc huyện Long Thành, Đồng Nai). Tuy nhiên, việc thu tiền này diễn ra mà không có bất cứ vé xe hay biên nhận nào được cung cấp cho hành khách. Tài xế thậm chí còn chẳng thèm hỏi han khách tên gì, thông tin có đúng với bảng danh sách được cung cấp ban đầu hay chưa.
Khi thu tiền, tài xế đếm đầu người, đủ số tiền cần có, rồi đóng sầm cửa lại. Vậy là xong chuyện thu tiền không xuất vé!
Chúng tôi thắc mắc thì chỉ nhận được câu trả lời vội vàng từ tài xế “ở đâu cũng thế”. Thậm chí, đến cả hành khách đi cùng cũng tỏ ra chẳng mấy quan tâm đến việc có vé hay không.
Giữa thời điểm hoạt động vận tải hành khách đang “nóng” và được “siết” chặt hơn bao giờ hết, thì phải chăng, Huy Hoàng và Hoa Mai đang “ngỏ lời” thách thức cơ quan chức năng?
Việc “hô biến” xe tuyến cố định thành xe hợp đồng, thu tiền nhưng không xuất vé… sau tất cả những lộn xộn này thì ai là người chịu trách nhiệm?