yen bai.jpg
100 cây chè cổ thụ ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc thông minh.

Trong thời đại bùng nổ của công nghệ số, mã QR hiện đang có mặt ở hầu khắp mọi nơi. Người dân chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét vào mã QR là có nhiều tệp thông tin, hình ảnh và nhiều hơn thế nữa được hiển thị, tạo ra một cách tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả.

Mã QR được hiển thị dưới dạng ô vuông, chứa một ma trận các ô vuông nhỏ, có tác dụng mã hóa chuỗi ký tự. Khi quét mã bằng điện thoại thông minh, ipad, hệ thống sẽ nhanh chóng giải mã và thực hiện lệnh được thiết lập sẵn. Nhờ đặc tính này, mã QR đã và đang trở thành xu hướng không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại khi mở ra cánh cửa dẫn đến kho tàng thông tin khổng lồ, mang đến những tiện ích thiết thực cho người dùng. 

Yên Bái mặc dù là một tỉnh miền núi nhưng nhờ những nỗ lực không ngừng trong công cuộc chuyển đổi số đã không ở ngoài xu hướng này. Từ các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ cho đến cửa hàng kinh doanh, nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống, bệnh viện, đơn vị hành chính công… mã QR trở thành một cách thức thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng. 

Nhiều hệ thống ngân hàng đóng trên địa bàn đã đến từng hộ kinh doanh để tuyên truyền, tặng bộ ấn phẩm QR để bàn hoặc nhãn dán có thiết kế độc đáo, phù hợp với không gian và nhu cầu của cửa hàng. Các mô hình chợ 4.0 cũng được nhân rộng tới nhiều địa phương trên toàn tỉnh. Tham gia mô hình này, các chợ sẽ được trang bị các thiết bị nâng cấp đường truyền, cấp wifi miễn phí. Tiểu thương cũng được tạo mã thanh toán QR miễn phí.

Chị Lê Huyền Nhung – người dân phường Minh Tân, thành phố Yên Bái tâm sự: “Chúng tôi bây giờ đi chợ hay mua sắm bất cứ thứ gì chỉ cần mang theo chiếc điện thoại để thanh toán mà chẳng cần tiền mặt nữa rồi. Trước đây, dù thường xuyên sử dụng hình thức thanh toán không tiền mặt nhưng tôi vẫn phải nhập số tài khoản, tên ngân hàng. Nhưng từ khi mã QR trở nên phổ biến, chỉ cần quét mã là đã hiện ra đúng số tài khoản, tên ngân hàng không sợ nhầm lẫn và rất nhanh chóng”.

Trong truy xuất nguồn gốc, mã QR được cấp miễn phí cho các chủ thể sản xuất thông qua nhiều chương trình hỗ trợ như: các dự án khoa học về xác lập quyền sở hữu trí tuệ, tham gia cổng thông tin truy xuất nguồn gốc… Đặc biệt, trong năm 2023, các ngành, đơn vị đã phối hợp triển khai giải pháp truy xuất nguồn gốc thông minh cho 2 sản phẩm chè Shan tuyết (xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn) và bưởi Đại Minh (huyện Yên Bình). Theo đó, đã tiến hành gắn mã QR truy xuất nguồn gốc cho 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, gần 200 cây bưởi Đại Minh; cấp bộ tem dán mã QR trên sản phẩm chè khô đóng gói, bưởi Đại Minh, chia theo các nhóm tuổi. 

Ông Nguyễn Kiều Hưng – Chủ tịch UBND xã Đại Minh, huyện Yên Bình cho biết: “Nhờ việc gắn mã truy xuất, giờ đây, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh quét mã truy xuất QR là có thể dễ dàng tra cứu được thông tin về cả cây bưởi và quả bưởi. Thông tin trên mã QR bao gồm: chứng nhận chỉ dẫn địa lý vùng trồng bưởi Đại Minh, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao; nguồn gốc quả bưởi từ vườn bưởi, cây bưởi nào hay độ tuổi của cây… Điều này không những góp phần bảo vệ vùng bưởi quý, nâng cao giá trị của đặc sản bưởi Đại Minh mà còn tạo ra điểm nhấn thú vị, thu hút du khách đến với những vườn bưởi tại xã Đại Minh thông qua việc trực tiếp truy xuất thông tin, ghi hình, tìm những sản phẩm quả bưởi theo từng độ tuổi của cây”.

Bên cạnh đó, mã QR còn được ứng dụng trong các buổi hội nghị, hội thảo, tập huấn để thay thế các tài liệu bằng giấy, giúp tiết kiệm giấy, mực, công in ấn, người dùng dễ dàng tra cứu tài liệu mọi lúc, mọi nơi, dữ liệu được lưu trữ không giới hạn về dung lượng và thời gian. Hay trong công tác tuyên truyền, một số tài liệu, ấn phẩm báo, tạp chí trên địa bàn tỉnh cũng đã ứng dụng mã QR để mở rộng phạm vi tiếp cận, nâng số lượng bạn đọc ấn phẩm thay cho việc truyền tay nhau đọc như cách truyền thống…

Những tiện ích khi ứng dụng mã QR đã rất rõ ràng, được người dân tham gia hưởng ứng, sử dụng một cách sâu, rộng. Đây chính là một minh chứng rõ nét cho thành quả chuyển đổi số của Yên Bái theo hướng bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, tạo nên giá trị cho người dân.

Theo Hoài Anh (Báo Yên Bái)