Thiếu và yếu cả số lượng lẫn chất lượng
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Ủy viên Ban Lý luận – phê bình, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam PGS. TS Trần Trí Trắc cho biết: Lý luận, phê bình sân khấu là “con đẻ” của nghệ thuật sân khấu. Nghệ thuật sân khấu hôm nay và mai sau không thể không có lý luận, phê bình sân khấu. Bởi thiếu lý luận phê bình sân khấu – là một khiếm khuyết lớn của nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Vị trí của nó luôn luôn được bình đẳng với tác giả, đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ, họa sĩ, biên đạo múa và khán giả của nghệ thuật sân khấu. Cho nên, nhà lý luận, phê bình sân khấu cũng là “nghệ sĩ” như mọi nghệ sĩ sân khấu khác.
Tuy nhiên, theo PGS. TS Trần Trí Trắc, ở Việt Nam, ngành lý luận, phê bình sân khấu còn rất non trẻ. Lý luận, phê bình sân khấu Việt Nam được xuất hiện trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Nguồn đào tạo chính cho đội ngũ lý luận, phê bình sân khấu là do Liên Xô, Trung Quốc, trường Đại học Tổng hợp Văn (nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) và Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Đội ngũ này đã được phát huy rực rỡ khi nền sân khấu cách mạng phát triển cực thịnh, tạo ra được vị thế của lý luận, phê bình sân khấu Việt Nam rất đáng tự hào.
Nhưng, từ khi đất nước thống nhất đến nay, nền sân khấu cách mạng ngày càng xuống cấp, đã kéo theo lý luận, phê bình sân khấu tụt hậu. Hiện nay, nguồn nhân lực cũ đã cạn kiệt và nguồn lực mới hầu như không có, từ đó, làm cho cơ nghiệp ngành lý luận, phê bình sân khấu Việt Nam trở nên ảm đạm.
Không chỉ thiếu nguồn nhân lực mà đội ngũ lý luận sân khấu hiện nay còn yếu về chất lượng, TS Trần Thị Minh Thu (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) chia sẻ: Đời sống sân khấu nước ta hiện nay thiếu các công trình nghiên cứu chuyên sâu có chất lượng về lý luận, phê bình, chưa phát huy được tác dụng tích cực đối với văn nghệ sĩ; có một bộ phận công trình nghiên cứu lý luận chưa sâu, còn thiếu cập nhật kiến thức lý thuyết, lý luận mới của thế giới, xa rời thực tiễn; trống vắng các công trình mang tính khái quát, tổng kết, nghiên cứu, đánh giá các phương pháp, khuynh hướng, trào lưu sáng tạo trong bối cảnh đương đại; nhiều vấn đề còn có khoảng trống lớn, chưa được nghiên cứu, lý giải, minh chứng xác đáng khoa học.
Cùng với đó, việc tiếp cận lý luận, phê bình mới của sân khấu thế giới còn hạn chế. Công tác đào tạo đội ngũ lý luận, phê bình sân khấu ở nước ngoài bị ngưng lại từ những năm 90 của thế kỉ XX. Phần lớn đội ngũ lý luận, phê bình sân khấu trong nước bị hạn chế về ngoại ngữ. Việc biên dịch, giới thiệu, cập nhập xuất bản sách lý luận, phê bình sân khấu thế giới hầu như không có, chưa được tổ chức có quy hoạch, có hệ thống. Vậy nên, sự giao lưu và hợp tác quốc tế trên phương diện nghiên cứu lý luận, phê bình còn thiếu vắng và bỏ quên.
Tìm giải pháp lấp “khoảng trống”
Trước thực trạng đó, để đội ngũ lý luận, phê bình lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng góp phần đưa nền sân khấu phát triển đúng định hướng, TS Trần Thị Minh Thu cho rằng: Cần có chính sách cử người có năng lực đi đào tạo ở nước ngoài về lý luận, phê bình. Các trường đại học có chuyên ngành lý luận, phê bình cần chú trọng công tác tuyển sinh, tuyên truyền quảng bá mã ngành cho các em học sinh trung học phổ thông và mở rộng triển vọng đầu ra sau khi các em ra trường; có cơ chế đặc thù khuyến khích người theo học ngành lý luận, phê bình. Các hội chuyên ngành cần chú trọng hơn nữa hoạt động lý luận, phê bình và Nhà nước cần tạo cơ chế hoạt động hơn nữa cho các hội trong việc thúc đẩy sự phát triển của lý luận, phê bình sân khấu.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công chúng, văn nghệ sĩ về vai trò của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; nâng cao nguồn kinh phí đối với các công trình nghiên cứu lý luận, phê bình, hỗ trợ xuất bản và điều chỉnh mức lương, mức nhuận bút để tạo động lực cho các nhà lý luận, phê bình cống hiến cho nghề; thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nâng cao ý thức công dân, trách nhiệm và đạo đức làm nghề đối với đội ngũ lý luận, phê bình.
“Đặc biệt, bản thân những người làm công tác lý luận, phê bình cần tự khẳng định vai trò, vị trí của chính mình trong đời sống văn học, nghệ thuật. Thể hiện tầm nhìn bao quát, sâu và rộng, đa chiều, khách quan, cập nhập quan điểm hiện đại trước thực tiễn sáng tạo và đánh giá tác giả, nghệ sĩ, tác phẩm. Mở rộng nhiều hình thức phê bình để thu hẹp khoảng cách giữa sân khấu với công chúng, sân khấu với cuộc đời và nêu cao vai trò định hướng gắn liền với đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa, hỗ trợ cho thực tiễn quản lý, sáng tạo của văn nghệ sĩ và sự phát triển của văn học, nghệ thuật trên thị trường văn hóa. Giữ vững đạo đức của người lý luận, phê bình” – TS Trần Thị Minh Thu cho biết thêm.
Theo nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội NSND Bùi Thanh Trầm, để giải quyết được những khó khăn, thách thức trong lý luận, phê bình sân khấu nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung thì cơ quan quản lý phải thấy rõ tầm quan trọng của lý luận phê bình văn học, nghệ thuật có giá trị, có chất lượng để có khả năng tổ chức hoạt động cuốn hút công chúng, dẫn dắt để họ phát huy năng lực và có tác động tới sáng tác. Đó là cách triển khai nhiệm vụ chính trị có hiệu quả nhất.
Trong khi đó, nhà viết kịch Lê Quý Hiền cho rằng, điều cần thiết nhất của lý luận, phê bình sân khấu là giúp ekip sáng tạo bảo đảm được tính thống nhất của vở diễn, nhấn được thông điệp của tác phẩm. Vì vậy, để lý luận, phê bình sân khấu thực sự phát huy vai trò của mình, các đơn vị sân khấu, hội đồng nghệ thuật cần có những nhà hoạt động sân khấu rành về lý luận, phê bình có trình độ, hiểu biết những vấn đề cơ bản của tác phẩm dưới góc độ khoa học và thực tiễn./.
Nguồn: https://toquoc.vn/ly-luan-phe-binh-san-khau-hien-nay-con-nhieu-khoang-trong-2024061115253551.htm