Hiện cả nước có gần một triệu ô tô đăng ký kinh doanh vận tải, trong đó hơn 318.000 xe khách. Theo quy định, những xe này phải gắn thiết bị giám sát hành trình (GSHT), truyền dữ liệu về hệ thống máy chủ của đơn vị cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp và trung tâm khai thác dữ liệu GSHT do Cục Đường bộ Việt Nam quản lý.
Hàng tháng, Cục Đường bộ tổng hợp dữ liệu GSHT. Sau đó, Sở GTVT các tỉnh, thành trích xuất, lấy danh sách xe vi phạm tốc độ đăng công khai lên trang website của sở. Với những xe vi phạm 5 lần/1.000km xe chạy trong 1 tháng sẽ bị thu hồi phù hiệu.
Theo phản ánh của các địa phương, do dữ liệu GSHT không được trích xuất hàng ngày, nên nhiều xe vi phạm tốc độ hàng trăm lần sau vài tháng mới bị thu hồi phù hiệu.
Đây cũng chính là lý do, nhiều xe của nhà xe Thành Bưởi bị tước phù hiệu lên tới 246 lần trong 9 tháng do vi phạm tốc độ. Riêng xe Thành Bưởi gây tai nạn ở Đồng Nai cũng từng vượt tốc độ 496 lần trong 3 tháng.
Hay như tại Hà Nội, đầu tháng 4, đơn vị này mới công bố các xe vi phạm tốc độ trong tháng 1. Trong đó có trường hợp xe hợp đồng mang BKS 29B-147.12 của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ du lịch Hòa Phát vi phạm tốc độ 2.040 lần trong tháng 1/2023. Gần đây nhất, đầu tháng 9, Sở GTVT Hà Nội cũng mới có văn bản kiểm tra xử lý vi phạm các xe chạy quá tốc độ đến tháng 7.
Đề nghị xe thu hồi phù hiệu, biển hiệu sau 30 ngày mới được cấp lại
Lý giải việc chậm tổng hợp dữ liệu GSHT gửi về Sở GTVT các địa phương, ông Đỗ Công Thủy, Phó trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, việc lắp thiết bị GSHT hay camera trước tiên là phục vụ công tác quản lý, điều hành của doanh nghiệp.
Khi xảy ra tai nạn giao thông, cơ quan quản lý căn cứ vào dữ liệu của doanh nghiệp để điều tra tai nạn, phân tích nguyên nhân và xử lý vi phạm. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải chịu trách nhiệm theo dõi, chấn chỉnh các hành vi vi phạm của lái xe thông qua dữ liệu từ thiết bị GSHT.
“Theo quy định tại Nghị định 10, dữ liệu vi phạm tốc độ trên hệ thống dữ liệu của Cục Đường bộ Việt Nam được tổng hợp theo tháng để phục vụ công tác xử lý vi phạm thu hồi phù hiệu.
Do hệ thống được xây dựng thời gian đã lâu (từ năm 2015), công nghệ lạc hậu, hạn chế về năng lực xử lý, dữ liệu tổng hợp hàng tháng chưa được nhanh và kịp thời.
Nguyên nhân là do nguồn kinh phí hầu như không có. Tuy nhiên, hệ thống hiện vẫn đang thực hiện tiếp nhận và giám sát theo thời gian thực”, ông Thuỷ nói.
Để khắc phục tình trạng này, trước mắt, Cục sẽ tiếp tục có văn bản đề nghị các Sở GTVT tăng cường khai thác dữ liệu để nhắc nhở ngay đối với các đơn vị kinh doanh vận tải có vi phạm để có biện pháp chấn chỉnh lái xe kịp thời.
Ông Thuỷ cũng thông tin thêm, hiện nay Cục đang được Bộ GTVT giao xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP. Theo đó, sẽ siết việc cấp và thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với xe kinh doanh vận tải.
Cụ thể, sẽ bổ sung quy định đối với các xe bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu thì sau 30 ngày mới được cấp lại.
“Khi đó xe kinh doanh phải nằm bãi một tháng, ngay lập tức đánh vào lợi ích kinh tế của chủ phương tiện. Đây cũng là cảnh báo đối với chủ doanh nghiệp, buộc phải có trách nhiệm hơn trong việc quản lý lái xe và phương tiện”, ông Thuỷ thông tin.
Ông N.V.H (Giám đốc một doanh nghiệp vận tải ở Thái Nguyên) cho rằng, xe vi phạm tốc độ luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Thống kê từ các vụ tai nạn giao thông cho thấy nguyên nhân liên quan tốc độ chiếm tới 70%.
Xe vi phạm tốc độ nhiều lần/tháng mới được phát hiện có lỗi do lái xe, chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý. “Điều này cho thấy nếu doanh nghiệp có một quy trình quản lý chặt về vận tải nói chung và vận tải hành khách nói riêng, kết hợp với một ông chủ có trách nhiệm thì chắc chắn sẽ giảm thiểu tối đa những vi phạm. Với cơ quan quản lý do quản lý không chặt mới để xảy ra những xe hoạt động, tham gia giao thông vi phạm tốc độ nhiều lần”, ông V.H nói.