Dù chiến thắng của ông Trump đang thu hút sự quan tâm ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, nhưng các nước Trung Á lại giữ thái độ thờ ơ và cẩn trọng. Với lịch sử đầy thất bại trong hợp tác cùng Mỹ, các nước như Kazakhstan, Uzbekistan đã học cách duy trì một chính sách đối ngoại thực tế và không ràng buộc chặt chẽ với bất kỳ cường quốc nào.
Theo Nhật báo Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 9/11, trong khi Mỹ và nhiều nước đang đang “sôi động” với sự trở lại của Donald Trump, khu vực Trung Á lại thể hiện một thái độ khá mờ nhạt. Đối với các nhà lãnh đạo từ Kazakhstan đến Uzbekistan, họ không thấy có nhiều lý do để kỳ vọng rằng chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho khu vực.
Bruce Pannier, nhà báo kỳ cựu về khu vực này, nhận định thẳng thắn: “Trung Á có thể sẽ gần như biến mất khỏi ‘radar chính sách’ đối ngoại của Mỹ. Ông Trump không mấy quan tâm đến Trung Á khi ông là tổng thống Mỹ nhiệm kỳ đầu, ngay cả khi quân đội Mỹ còn hiện diện ở Afghanistan”.
Sự thờ ơ này có nguồn gốc sâu xa từ những hứa hẹn không thành trong quá khứ. Các mục tiêu của Washington về “thúc đẩy dân chủ, kiềm chế ảnh hưởng của Nga và bảo vệ nguồn năng lượng” đều chưa đạt được kết quả mong muốn.
Lịch sử cho thấy mối quan hệ Mỹ-Trung Á đã trải qua nhiều thăng trầm. Sau sự sụp đổ của Liên Xô vào đầu thập niên 1990, Mỹ đã có “cơ hội vàng” để gây ảnh hưởng tại khu vực này. Các nước Trung Á, đặc biệt là Kazakhstan với trữ lượng dầu mỏ và uranium lớn, đã từng được Washington đặt nhiều kỳ vọng.
Tuy nhiên, Mỹ đã không đánh giá đúng sự phức tạp của xã hội Trung Á. Các mối quan hệ lịch sử với Nga, cấu trúc gia tộc phức tạp và những thách thức trong xây dựng quốc gia đã tạo ra nhiều rào cản. Nỗ lực thúc đẩy cải cách kinh tế nhanh chóng thường phản tác dụng, dẫn đến bất bình đẳng và tham nhũng gia tăng.
Sau sự kiện 11/9, Trung Á được chú ý trở lại như một trung tâm hậu cần quân sự tại Afghanistan. Mỹ đã thiết lập các căn cứ tại Uzbekistan và Kyrgyzstan. Tuy nhiên, những căng thẳng về vấn đề nhân quyền đã dẫn đến việc Uzbekistan trục xuất quân đội Mỹ năm 2005, và căn cứ Manas tại Kyrgyzstan cũng đóng cửa vào năm 2014.
Các nhà lãnh đạo Trung Á ngày nay theo đuổi chính sách đối ngoại thực dụng hơn. Như Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã nói: “Chúng tôi không tin vào trò chơi có tổng bằng không. Chúng tôi muốn thay thế ‘Trò chơi vĩ đại’ bằng ‘Lợi ích vĩ đại’ cho tất cả mọi người”.
Chuyên gia Chinara Esengul từ Quỹ Peace Nexus nhận định: “Địa chính trị hiệu quả đối với Trung Á không phải là liên kết quá chặt chẽ với Mỹ hay bất kỳ cường quốc nào khác, mà là duy trì khoảng cách ngang bằng với tất cả các siêu cường”.
Tuy nhiên, vẫn còn dư địa cho hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực khoáng sản và công nghệ. Bruce Pannier chỉ ra rằng Mỹ gần đây đã chú trọng hơn đến quan hệ kinh doanh với Trung Á, phần lớn do nhu cầu về nguyên liệu thô chiến lược. Washington cũng quan tâm đến việc phát triển hành lang thương mại Đông-Tây nhằm tránh Nga.
Có thể nói, thái độ dè dặt của Trung Á trước chiến thắng của ông Trump ở Mỹ là kết quả của kinh nghiệm lịch sử và cách tiếp cận thực dụng trong quan hệ quốc tế của khu vực này.