Với tuyên bố sẵn sàng giải cứu, phe Dân chủ kỳ vọng Chủ tịch Hạ viện Johnson tiếp tục dựa vào họ để đối phó phe cực hữu trong Cộng hòa.
Sau cuộc họp kín thường lệ của các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện ngày 30/4, lãnh đạo phe Dân chủ Hakeem Jeffries cho biết đảng của ông sẽ ra tay bảo vệ Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson trước nỗ lực lật đổ của hạ nghị sĩ Cộng hòa cực hữu Marjorie Taylor Greene.
“Chúng tôi sẽ bỏ phiếu bác yêu cầu bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ tịch Hạ viện của Greene. Nếu bà ấy kích hoạt yêu cầu, nỗ lực này sẽ không thành công”, ông Jeffries tuyên bố.
Đây được cho là động thái bất thường, khi phe Dân chủ chiếm thiểu số tại Hạ viện lại bày tỏ ủng hộ một thành viên Cộng hòa giữ ghế lãnh đạo cơ quan này. Đảng Cộng hòa đang giữ thế đa số sít sao tại Hạ viện với 217 ghế, còn đảng Dân chủ giữ 212 ghế. 6 ghế hạ nghị sĩ đang để trống.
Bà Greene ngày 1/5 thông báo sẽ yêu cầu Hạ viện bỏ phiếu miễn nhiệm Johnson vào tuần sau. Nữ nghị sĩ cực hữu trước đó cảnh báo bà sẽ hành động nếu ông Johnson để dự luật viện trợ Ukraine được thông qua. Bất chấp lời đe dọa đó, Hạ viện Mỹ hôm 20/4 thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, trong đó có gần 61 tỷ USD cho Ukraine.
“Tôi nghĩ chúng ta không nên trừng phạt một Chủ tịch Hạ viện vì làm điều đúng đắn”, hạ nghị sĩ Dân chủ Steny Hoyer nói.
Bà Greene ngày 22/3 nộp đơn “đề xuất bãi nhiệm” Chủ tịch Hạ viện, cáo buộc ông Johnson “phản bội” vì dựa vào phe Dân chủ để thông qua dự luật chi tiêu 1.200 tỷ USD. Phe Cộng hòa khi đó đang gây sức ép buộc phía Dân chủ phải có nhượng bộ nhất định để thông qua dự luật chi tiêu.
Kiến nghị miễn nhiệm Chủ tịch Hạ viện từng là quy trình rất khó khăn và phức tạp, phải được biểu quyết trong nội bộ đảng với đa số ủng hộ thì mới được đem ra bỏ phiếu ở Hạ viện. Tuy nhiên, Kevin McCarthy, người tiền nhiệm của Johnson, hồi tháng 1/2023 chấp thuận nới lỏng quy định này để phe cực hữu đảng Cộng hòa ủng hộ ông làm Chủ tịch Hạ viện.
Quy định mới cho phép bất cứ nghị sĩ nào cũng có quyền trình “nghị quyết văn phòng Chủ tịch Hạ viện vô chủ” mà không cần thêm sự ủng hộ từ ai khác. Sau khi nghị sĩ này yêu cầu bỏ phiếu, Hạ viện phải quyết định chấp thuận hay phản đối trong hai ngày hành chính. Nếu chấp thuận, Hạ viện sẽ bỏ phiếu và chỉ cần đa số nghị sĩ tham gia ủng hộ nghị quyết, chủ tịch đương nhiệm mất chức.
Đây chính là yếu tố khiến ông McCarthy mất chức hồi tháng 10/2023, khi nghị sĩ Cộng hòa cực hữu Matt Gaetz kích hoạt quy trình. Trái với Johnson, phe Dân chủ khi đó không ủng hộ McCarthy. Với 8 nghị Cộng hòa cùng toàn bộ nghị sĩ Dân chủ ủng hộ nghị quyết, McCarthy bị bãi nhiệm với tỷ lệ phiếu 216-210.
Kịch bản này khó lặp lại với Johnson, khi đảng Dân chủ tuyên bố sẽ bảo vệ ông. Khi không có số phiếu ủng hộ của đảng Dân chủ, bà Greene gần như không thể tìm đủ 218 phiếu cần thiết để phế truất Chủ tịch Hạ viện. Nhiều thành viên đảng Cộng hòa cũng đã công khai phản đối kiến nghị này.
Đảng Dân chủ “đang thưởng cho Johnson vì ông đã để dự luật viện trợ Ukraine, vốn bị đa số thành viên Cộng hòa phản đối, được thông qua”, Russell Berman, bình luận viên của The Atlantic, nhận định. “Phe Dân chủ đang thấy cơ hội để thực hiện điều họ đã muốn làm suốt nhiều năm qua là khiến chủ tịch Hạ viện đảng Cộng hòa xa rời phe cực hữu”.
Trong khi đó, McCarthy chỉ tìm đến sự giúp đỡ từ phía Dân chủ để thông qua dự luật chi tiêu giúp chính phủ Mỹ tiếp tục hoạt động sau nhiều tuần kêu gọi Hạ viện “bật đèn xanh” để thúc đẩy cuộc điều tra luận tội Tổng thống Joe Biden, nỗ lực nhằm xoa dịu phe cực hữu, nhưng bất thành.
Thế đa số sít sao khiến đảng Cộng hòa khó thực hiện đường lối chung của mình, bởi phe cực hữu đã nhiều lần khiến các dự luật không có đủ phiếu ủng hộ cần thiết. Điều này buộc ông Johnson phải nhờ đến sự hỗ trợ từ phe Dân chủ, hình thành “liên minh phi chính thức”.
Bằng cam kết chặn nỗ lực của Greene, phe Dân chủ còn hy vọng có thể đảm bảo ông Johnson sẽ tìm đến họ trong 7 tháng còn lại của nhiệm kỳ thay vì phe cực hữu Cộng hòa, theo Berman. Ngoài ra, phe Dân chủ chỉ cam kết giúp Johnson đối phó bà Greene, đồng nghĩa họ vẫn có thể loại bỏ ông trong tương lai.
“Chúng tôi muốn có khởi đầu mới”, Peter Aguilar, lãnh đạo số ba của phe Dân chủ tại Hạ viện, nói, thêm rằng họ đang cố ngăn chặn sự hỗn loạn mà bà Greene đe dọa gây ra ở cơ quan này. “Greene là kẻ đốt phá cơ quan lập pháp và bà ấy đang cầm thùng xăng. Chúng tôi không nhất thiết phải trở thành một phần trong nỗ lực đó”.
Phe Dân chủ cho rằng việc thông qua dự luật viện trợ Ukraine, dù phải trì hoãn nhiều tháng, cho thấy ông Johnson là người dũng cảm về chính trị hơn so với người tiền nhiệm.
Hàng chục nghị sĩ Dân chủ, đặc biệt là phe trung lập, cũng từng ám chỉ họ sẵn sàng “giải cứu Johnson” nếu ông đưa dự luật viện trợ Ukraine ra bỏ phiếu. Nhiều nghị sĩ Dân chủ chỉ đang chờ tín hiệu chính thức từ lãnh đạo phe mình.
“Tôi đồng cảm với Johnson nhiều hơn là McCarthy, người chỉ muốn toan tính cho vị thế chính trị của mình”, hạ nghị sĩ Marie Gluesenkamp Perez lý giải tại sao bà chọn giúp Chủ tịch Hạ viện đương nhiệm.
Johnson đã “dũng cảm” đối mặt với phe “chống chính phủ” trong nội bộ Cộng hòa, cựu chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, đảng Dân chủ, nói với Axios.
Theo cây viết Jake Sherman và John Bresnahan của Punchbowl News, ủng hộ Johnson còn giúp phe Dân chủ thể hiện mình là “người lớn” khi giúp ngăn hỗn loạn xảy ra ở Hạ viện.
Dù vậy, đây vẫn là “viên thuốc đắng khó nuốt”, bởi họ không nhận lại được thứ gì mới, sau khi Johnson đã giúp thông qua dự luật chi tiêu, hỗ trợ Ukraine và gia hạn Đạo luật Giám sát tình báo nước ngoài (FISA), đều là ưu tiên của Nhà Trắng.
Một số nghị sĩ Dân chủ dự cuộc họp ngày 30/4 cũng bày tỏ lo ngại về việc này. Nghị sĩ Susie Lee phân vân giữa việc giúp Johnson, người từng ủng hộ nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020, với kỳ vọng phe Dân chủ nhận được sự nhượng bộ từ Cộng hòa.
Hạ nghị sĩ Zoe Lofgren, từng làm việc tại ủy ban Hạ viện điều tra vụ bạo loạn đồi Capitol tháng 1/2021, có chung quan điểm.
Lofgren cho rằng nếu vẫn tại vị sau cuộc bầu cử tháng 11, Johnson có thể tạo ra “nguy cơ nghiêm trọng”, bởi quan điểm trong quá khứ cho thấy ông không chắc sẽ giúp quá trình chuyển giao quyền lực vào tháng 1/2025 diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, bà vẫn sẵn sàng giúp Johnson bởi “bà là thành viên Dân chủ” và hiểu đảng này đang muốn ngăn Hạ viện một lần nữa rơi vào hỗn loạn.
Hạ nghị sĩ Dân chủ Perez cho biết những gì bà làm trong tương lai còn phụ thuộc tình hình khi đó.
“Với gói an ninh quốc gia, Chủ tịch Hạ viện đã cho thấy ông ấy là một lãnh đạo đáng được giải cứu”, bà Perez nói. “Ông ấy làm thế nào thì tôi bỏ phiếu đúng như vậy. Tất nhiên, tôi sẽ không bỏ phiếu cho ông ấy làm Chủ tịch Hạ viện khi bầu lãnh đạo nhiệm kỳ mới. Nhưng đó là tình huống khác”.
Như Tâm (Theo Politico, Washington Post)