Người đàn ông Australia gây ngạc nhiên khi có thể cạy mở hàm cá sấu nước mặn, loài vật có lực cắn mạnh nhất Trái Đất, để thoát thân.
Marcus McGowan bị một con cá sấu nước mặn (Crocodylus porosus) tấn công từ phía sau khi đang lặn với ống thở cách bờ biển Cape York, Queensland, khoảng 40 km. Tuy nhiên, McGowan đã cạy được hàm của kẻ tấn công trước khi nó ngoạm chặt hơn, Live Science hôm 6/6 đưa tin.
“Tôi có thể mở hàm của nó đủ rộng để đưa đầu ra ngoài. Con cá sấu cố tấn công lần thứ hai, nhưng tôi đẩy được nó ra bằng tay phải và bị cắn vào tay”, McGowan kể lại. Sau đó, McGowan được đưa đến bệnh viện để điều trị các vết thương trên đầu và tay. Những vết thương này vẫn tương đối nhẹ so với việc phải chiến đấu với một trong những kẻ săn mồi mạnh nhất hành tinh.
Cá sấu nổi tiếng với bộ hàm khỏe. Theo đo đạc, cá sấu nước mặn là loài vật có lực cắn mạnh nhất hành tinh. “Chúng trông như có cổ rất béo, nhưng thực chất đó là cơ hàm dồi dào”, Paul Gignac, nhà nghiên cứu giải phẫu tại Đại học Arizona, cho biết. Theo nghiên cứu năm 2012 mà Gignac tham gia tiến hành, cơ cổ ấn tượng này cho phép cá sấu nước mặn trưởng thành kẹp chặt con mồi với lực 3.700 psi (16.460 N). Một kẻ săn mồi đáng gờm khác, báo đốm (Panthera onca) có lực cắn khoảng 1.500 psi.
McGowan tin rằng con cá sấu tấn công mình dài khoảng 2 – 3 m, nghĩa là chưa trưởng thành. Tuy nhiên, kể cả cá sấu non cũng có thể tạo ra lực cắn tương đối mạnh, khoảng 250 psi, Gignac cho biết. “Thật ngạc nhiên khi McGowan sống sót. Cá sấu thường không buông ra một khi đã ngoạm”, Gignac nói.
Gignac cho rằng người đàn ông có thể đã rất may mắn vì cá sấu còn quá nhỏ hoặc không có khả năng thực hiện hành vi “vặn xoắn tử thần” – vặn mình một cách dữ dội trong nước khi đang ngoạm mồi nhằm xẻ thịt hoặc khiến con mồi mất phương hướng.
Trong trường hợp của McGowan, có thể anh đã thoát chết nhờ nhiều lý do. Thứ nhất, cá sấu khi đó không dùng toàn bộ hàm để ngoạm McGowan. “Lực cắn sẽ nhỏ hơn khi lệch ra khỏi khớp hàm. Vì vậy, phần đầu mõm của chúng thường có lực cắn thấp hơn khoảng 40%”, Gignac giải thích.
Sức khỏe của cá sấu cũng có thể là một lý do khác. Bò sát là động vật máu lạnh, nghĩa là phụ thuộc nhiều vào các nguồn nhiệt bên ngoài để kiểm soát nhiệt độ cơ thể và có quá trình trao đổi chất chậm hơn động vật máu nóng. Do đó, chúng thường có nguồn dự trữ năng lượng nhỏ hơn hầu hết động vật máu nóng. Dù ban đầu cá sấu có thể tấn công rất dữ dội, chúng sẽ mệt tương đối nhanh. Gignac cho biết thêm, cá sấu cần nghỉ ngơi trước khi đạt được hiệu suất tối đa trở lại.
Với những điều kiện như vậy, việc con người tự thoát khỏi miệng cá sấu có thể khả thi. Khi bị tấn công, cơ thể người thường giải phóng một lượng lớn adrenaline, làm tăng nhịp tim và nhịp thở. Phản ứng này giúp tăng lượng oxy vận chuyển đến cơ bắp, giúp con người tạm thời tăng năng lượng.
Thu Thảo (Theo Live Science)