Trong khi Everest và phần còn lại của dãy Himalaya đang tiếp tục quá trình nâng cao không thể tránh khỏi có nguồn gốc từ khi chúng hình thành cách đây khoảng 50 triệu năm, khi tiểu lục địa Ấn Độ va chạm với lục địa Á-Âu, thì bản thân đỉnh Everest còn cao lên hơn dự kiến nhờ một sự kiện khác.
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng đỉnh Everest đã tăng thêm khoảng 15-50 mét chiều cao do sự thay đổi trong hệ thống sông trong khu vực, kể từ khi sông Kosi hợp nhất với sông Arun cách đây khoảng 89.000 năm. Điều đó tương đương với tốc độ nâng lên khoảng 0,2-0,5 mm mỗi năm.
Giới khoa học cho biết, quá trình địa chất đang diễn ra khiến đỉnh Everest cao lên được gọi là sự phục hồi đẳng tĩnh. Nó liên quan đến sự dâng lên của các khối đất trên lớp vỏ Trái Đất khi trọng lượng bề mặt giảm đi.
Lớp vỏ, lớp ngoài cùng của Trái đất, về cơ bản nổi trên lớp manti được tạo thành từ đá nóng, bán lỏng. Trong trường hợp của đỉnh Everest, sự hợp nhất của các con sông Kosi và Arun đã dẫn đến xói mòn nhanh hơn, cuốn trôi một lượng lớn đá và đất, làm giảm trọng lượng của khu vực gần ngọn núi.
Nhà khoa học địa chất Jin-Gen Dai thuộc Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc tại Bắc Kinh, một trong những người đứng đầu nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geoscience ngày 30/9, cho biết: “Khi một vật nặng, chẳng hạn như băng hoặc đá bị xói mòn, được di chuyển khỏi lớp vỏ Trái đất, vùng đất bên dưới sẽ từ từ nhô lên, giống như một chiếc thuyền nổi lên trên mặt nước khi hàng hóa được dỡ xuống”.
Các nhà nghiên cứu, những người đã sử dụng mô hình kỹ thuật số để mô phỏng quá trình tiến hóa của hệ thống sông, ước tính rằng cái được gọi là sự phục hồi đẳng tĩnh này chiếm khoảng 10% tốc độ nâng cao hàng năm của Everest.
Quá trình địa chất này không chỉ có ở dãy Himalaya. “Một ví dụ điển hình là ở Scandinavia, nơi đất vẫn đang dâng lên do sự tan chảy của các lớp băng dày bao phủ khu vực này trong Kỷ Băng hà cuối cùng. Quá trình này vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay, ảnh hưởng đến bờ biển và cảnh quan, hàng nghìn năm sau khi băng tan”, giáo sư Dai cho biết.
Theo ông Smith, các đỉnh núi lân cận bao gồm Lhotse, đỉnh núi cao thứ tư thế giới, và Makalu, đỉnh núi cao thứ năm, cũng được thúc đẩy từ quá trình tương tự. Trong đó, Lhotse đang trải qua tốc độ nâng lên tương tự như Everest còn Makalu, nằm gần sông Arun hơn, có tốc độ nâng cao hơn một chút.
“Nghiên cứu này nhấn mạnh bản chất năng động của hành tinh chúng ta. Việc ngay cả một thứ có vẻ bất biến như đỉnh Everest cũng chịu sự chi phối của các quá trình địa chất đang diễn ra, nhắc nhở chúng ta rằng Trái đất liên tục thay đổi, thường theo những cách mà chúng ta không thể nhận thấy trong cuộc sống hàng ngày”, giáo sư Dai nói.
Quang Anh (theo Japan Times, New York Times)
Nguồn: https://www.congluan.vn/ly-do-dinh-everest-van-dang-cao-len-moi-nam-post315460.html