Đây là một trong những điểm mới trong dự thảo Luật Nhà giáo (lần 3) vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Tại Điều 49 dự thảo quy định về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo như sau: Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động; giáo viên mầm non, giáo viên trường lớp dành cho người khuyết tật được nghỉ hưu trước 05 (năm) năm theo quy định về tuổi nghỉ hưu.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất 2 trường hợp giáo viên được nghỉ hưu sớm đang nhận được đồng tình của nhiều thầy cô.
Đây không phải lần đầu tiên nội dung đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm hơn so với quy định chung tại Bộ luật Lao động. Kết quả khảo sát về đề nghị giáo viên được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi của Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam vào năm 2020 cho thấy, có tới 96% số giáo viên mầm non đồng thuận chủ trương này.
Theo Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân, định mức quy định và thời gian làm việc thực tế của giáo viên mầm non hiện là 10 giờ/ngày, cao hơn so với một số ngành nghề. Trong khi đó, đặc thù công việc của giáo viên mầm non rất vất vả, áp lực căng thẳng kéo dài về việc giữ an toàn cho trẻ khiến sức khỏe của giáo viên mầm non giảm sút nhanh. Cũng theo khảo sát, từ 55 tuổi trở đi, hầu hết giáo viên mầm non có khó khăn hơn trong việc thực hiện các thao tác chuyên môn như hát, múa và hướng dẫn các hoạt động thể lực cho trẻ.
Năm 2023, tại cuộc gặp gỡ với giáo viên cả nước, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng nhận được ý kiến của nhiều giáo viên về nguyện vọng được nghỉ hưu sớm hơn quy định để bảo đảm chất lượng chăm sóc, giáo dục cho trẻ và sức khỏe của người dạy.
Căn cứ nguyện vọng của đông đảo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị xem xét, bổ sung nghề giáo viên mầm non vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm căn cứ cho đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Với trường hợp giáo viên dạy ở các trường cho học sinh khuyết tật, trước đó Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành danh mục bổ sung giáo viên trực tiếp can thiệp, dạy văn hóa, dạy nghề, hỗ trợ đối với người khuyết tật nặng được đưa vào danh mục nghề độc hại nguy hiểm, bởi đây là công việc gây căng thẳng thần kinh, tâm lý. Vì vậy, trường hợp giáo viên này sẽ xem xét để được nghỉ hưu sớm.
Theo kế hoạch, dự án Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ Tám (tháng 10.2024) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ Chín (tháng 5.2025).
Nguồn: https://laodong.vn/giao-duc/ly-do-de-xuat-2-truong-hop-giao-vien-duoc-nghi-huu-som-1395188.ldo