Hầu hết các nhà khoa học đều lo ngại rằng biến đổi khí hậu vốn đã chạm ngưỡng tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Sự nóng lên của không khí và đại dương đang hình thành thêm nhiều đợt nắng nóng không chỉ thiệt hại kinh tế mà thậm chí gây chết người.
Không những thế, nóng lên toàn cầu làm tăng tỷ lệ xảy ra các thiên tai như lũ lụt, hạn hán, bão và cháy rừng dữ dội. “Nắng nóng trong năm vừa qua là một thông điệp ấn tượng từ Mẹ Thiên nhiên”, nhà khoa học khí hậu Katharine Jacobs của Đại học Arizona (Mỹ) mô tả.
Thời tiết biến đổi bất thường
Theo tính toán mới nhất hôm thứ Sáu (ngày 12/1) của các cơ quan khí tượng hàng đầu, nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2023 tăng hơn 0,15 độ C so với kỷ lục nhiệt độ trước đó.
Theo một số nhà khoa học, khí hậu năm 2023 đã diễn biến theo những hướng kỳ lạ, khó đoán. Khi nhiệt độ năm 2023 đột nhiên tăng lên nhanh chóng từ giữa tháng 6, các nhà khoa học đặt câu hỏi liệu biến đổi khí hậu do con người và hiện tượng El Nino tự nhiên có được thúc đẩy bởi một yếu tố bí ẩn nào không, hay “có điều gì đó có tính hệ thống hơn đang diễn ra” hay không.
Để trả lời câu hỏi trên, có thể phải đợi đến cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè, khi hiện tượng El Nino mạnh mẽ dự kiến kết thúc. Các nhà khoa học nói rằng nếu nhiệt độ đại dương, bao gồm cả vùng nước sâu, tiếp tục giữ mức nóng trước đó cho đến mùa hè, tương tự như năm 2023, thì tình hình sẽ rất đáng lo ngại.
Nhiều nhà khoa học cho rằng khí nhà kính do đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân hàng đầu khiến thế giới đạt đến mức nhiệt độ mà nền văn minh nhân loại chưa từng thấy trước đây. Trong khi đó, hiện tượng El Nino đang ở mức “rất mạnh” là nguyên nhân lớn thứ hai.
Nhắc đến thời tiết năm 2023, nhà khí hậu học hàng đầu Gavin Schmidt của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết 2023 là một năm rất kỳ lạ. “Bạn càng tìm hiểu sâu về nó, nó càng trở nên không rõ ràng”.
Theo ông Schmidt và bà Samantha Burgess, Phó Giám đốc Cơ quan Dịch vụ Khí hậu Copernicus của châu Âu, một trong những thứ không rõ ràng nhất là thời điểm bắt đầu đợt nắng nóng gay gắt trong năm 2023. Thông thường, nhiệt độ sẽ cao nhất vào cuối mùa đông và mùa xuân (mùa đông và mùa xuân ở Mỹ kết thúc vào cuối tháng 3 và cuối tháng 6). Song, đợt nắng nóng cao nhất năm 2023 lại bắt đầu vào khoảng tháng 6 và kéo dài ở mức kỷ lục trong nhiều tháng tiếp theo.
Mục tiêu 1,5 độ C khó đạt được
Theo tính toán của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nhiệt độ trung bình của Trái đất vào năm 2023 là 15,08 độ C, nóng hơn 0,15 độ C so với kỷ lục vào năm 2016 và nóng hơn 1,35 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Kết hợp các phép đo được công bố hôm thứ Sáu với các tính toán của Nhật Bản và châu Âu công bố vào đầu tháng này, Tổ chức Khí tượng Thế giới đã xác định năm 2023 ở mức nóng hơn 1,45 độ C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp.
Nhiều nhà khoa học khí hậu thấy rất ít hy vọng trong việc ngăn chặn sự nóng lên ở mức 1,5 độ C được kêu gọi trong thỏa thuận Paris năm 2015. Đây vốn là mục tiêu nhằm ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Nhà khoa học Jennifer Francis của Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell cho biết: “Tôi cho rằng việc có thể hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C là không thực tế”.
Cả NASA và NOAA đều cho biết 10 năm qua (từ 2014 đến 2023) là 10 năm nóng nhất mà họ đo được. Đây là lần thứ ba trong 8 năm qua kỷ lục nhiệt độ toàn cầu được thiết lập.
Nhà khoa học Randall Cerveny của Đại học bang Arizona cho biết mối lo ngại lớn nhất không phải là kỷ lục đã bị phá vỡ vào năm ngoái, mà là chúng liên tục bị phá vỡ thường xuyên. “Đối với tôi, tốc độ thay đổi liên tục là điều đáng báo động nhất”, ông Cerveny nói.
Nhà khoa học khí hậu Natalie Mahowald của Đại học Cornell cho biết: “Đây chỉ là khởi đầu của những gì có thể xảy ra trong tương lai, đặc biệt nếu chúng ta tiếp tục thất bại trong việc kịp thời cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide”.
Không chỉ bà Mahowald, nhà khoa học khí hậu Kim Cobb của Đại học Brown cũng bày tỏ: “Từ đầu những năm 1990 tôi đã lo lắng rồi. Bây giờ tôi đang lo lắng nhiều hơn bao giờ hết. Nỗi lo của tôi tăng lên mỗi năm khi lượng khí thải toàn cầu đi sai hướng”.
Hoài Phương (theo AP)