Trước khi mở rộng, 5 quốc gia thành viên trong BRICS đã chiếm khoảng 40% dân số thế giới và khoảng 1/4 GDP toàn cầu.
Cánh cửa gia nhập BRICS đang mở. (Nguồn: Reuters) |
Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) sẽ cần một cái tên mới khi kết nạp thêm thành viên gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào đầu năm nay.
Cánh cửa gia nhập BRICS đã được mở ra từ đó. Tháng 2/2024, Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor tuyên bố, hơn 30 quốc gia muốn tham gia nhóm quốc tế này.
Đối trọng với Mỹ
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim bày tỏ mong muốn gia nhập khối và đang vận động hành lang các quan chức Nga, Trung Quốc và Ấn Độ về đơn xin gia nhập của Kuala Lumpur.
Trong khi đó, Thái Lan cũng đã nộp đơn xin gia nhập chính thức vào tháng 6 năm ngoái. Giới chức Thái Lan hy vọng, nước này sẽ được tham gia Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nga vào tháng 10 tới.
Trước đây, BRICS từng phải nỗ lực để tìm ra mục đích kinh tế hoặc địa chính trị của khối trong bối cảnh các quốc gia thành viên có rất ít điểm chung ngoài điểm chung duy nhất là những nước lớn và không thuộc phương Tây.
Tuy nhiên, những năm gần đây, BRICS ngày càng nỗ lực tự định hướng là tiếng nói của các nước Nam bán cầu – thuật ngữ dùng để mô tả các nền kinh tế đang phát triển.
Nhà nghiên cứu trong chương trình Đông Nam Á tại Viện Lowy Rahman Yaacob nhận định: “Đối với một số quốc gia, BRICS có thể là đối trọng với sự bá quyền kinh tế của Mỹ”.
Việc gia nhập nhóm cũng có thể là cách để phòng ngừa về mặt chính trị, vì sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh.
Người phụ trách mảng chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich Deborah Elms nói: “Nếu thế giới sắp chia thành các khối, thì việc gia nhập một khối còn hơn là bị loại”.
Vì sao Malaysia, Thái Lan “gõ cửa” BRICS
Theo nhà nghiên cứu Rahman, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia. Nền kinh tế thứ 2 thế giới cũng là nguồn viện trợ phát triển lớn nhất cho một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Đối với Thủ tướng Malaysia Anwar, việc gia nhập BRICS có thể là cách bảo đảm các thỏa thuận thương mại hoặc đầu tư cho quốc gia Đông Nam Á này.
Ông Wen Chong Cheah, nhà phân tích châu Á – Thái Bình Dương tại tổ chức Economist Intelligence Unit nhận định: “Ý định của Malaysia gia nhập BRICS có thể thúc đẩy các nước phương Tây tăng cường đầu tư vào Malaysia, hoặc thậm chí khuyến khích nước này cân nhắc nộp đơn xin gia nhập các liên minh liên kết với phương Tây, chẳng hạn như Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)”.
Theo ông Cheah, ngành công nghiệp bán dẫn của Malaysia cũng có thể được hưởng lợi từ mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc và Ấn Độ, vì hai thị trường tiêu dùng khổng lồ này có thể mua nhiều hơn thiết bị điện tử do Malaysia sản xuất.
Ngoài ra, việc gia nhập BRICS cũng có thể dẫn đến tăng lượng khách du lịch từ các nước thành viên trong khối, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong khi đó, Thái Lan cũng có thể quan tâm đến việc gia nhập BRICS như một cách để khởi động lại nền kinh tế quốc gia đang suy yếu.
Thời gian gần đây, tăng trưởng kinh tế Thái Lan đã chậm lại trong bối cảnh ngành du lịch của nước này vẫn đang chật vật phục hồi sau đại dịch COVID-19.
BRICS – “đại gia” dầu mỏ
Năm 2001 – nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Goldman Sachs khi đó là ông Jim O’Neill – lập luận rằng Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đặt ra thuật ngữ BRIC.
Các nhà lãnh đạo 4 nước trên đã chấp thuận sử dụng tên này khi chính thức thành lập BRIC với Hội nghị thượng đỉnh năm 2009 tại thành phố Yekaterinburg của Nga.
Khối này đã thêm chữ “S” vào tên của khối khi Nam Phi gia nhập vào năm 2010, trở thành BRICS.
Năm 2014, BRICS thành lập ngân hàng phát triển của riêng mình, Ngân hàng Phát triển mới (NDB).
Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2015, NDB đã phê duyệt tổng cộng hơn 32 tỷ USD cho các nước thành viên vay. Trung Quốc hy vọng NDB có thể giải ngân thêm 5 tỷ USD cho các khoản vay trong năm nay.
Nếu gia nhập BRICS, Malaysia và Thái Lan sẽ là sự bổ sung đáng kể bởi cả hai nước này đều có quy mô kinh tế lớn gấp đôi Ethiopia và gần bằng quy mô của Iran và Ai Cập. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Malaysia chỉ thấp hơn một chút so với Trung Quốc.
Theo dữ liệu của Ngân hàng thế giới (WB), trước khi mở rộng thêm thành viên, 5 quốc gia trong BRICS ban đầu đã chiếm khoảng 40% dân số thế giới và khoảng 1/4 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Với sự tham gia của UAE và Saudi Arabia, BRICS hiện chiếm gần một nửa nguồn cung dầu trên toàn cầu.
Lợi ích nhiều hơn?
Vào tháng 5, một phát ngôn viên chính phủ Thái Lan gợi ý rằng, việc gia nhập BRICS sẽ giúp tạo ra “trật tự thế giới mới”.
Tuy nhiên, BRICS vẫn đạt rất ít thành tựu.
Ví dụ, khối này không có bất kỳ thỏa thuận thương mại hoặc đầu tư chính thức nào.
Theo nhà phân tích Cheah, trong số các nước thành viên BRICS có các đối thủ của Mỹ như Nga và Iran. Điều này đồng nghĩa là những nước muốn gia nhập như Malaysia và Thái Lan sẽ cần phải tcân bằng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhìn nhận, các quốc gia như Malaysia và Thái Lan có thể nhận được lợi ích kinh tế lớn hơn so với những rủi ro từ việc gia nhập BRICS.
Nguồn: https://baoquocte.vn/ly-do-brics-ngay-cang-hot-canh-cua-gia-nhap-khoi-rong-mo-loi-ich-nhieu-hon-rui-ro-284015.html