KHÔNG THỂ THIẾU Ô XY QUÁ 5 PHÚT
Các trẻ nói trên đuối nước tại bể bơi và ao hồ, trong đó có 3 trẻ ngừng tim kéo dài và 4 trẻ suy hô hấp nguy kịch. Theo các bác sĩ (BS), trong 7 trẻ, duy nhất 1 trẻ được sơ cấp cứu ban đầu đúng cách, các trường hợp còn lại đều được cấp cứu ngừng tuần hoàn sai cách.
Nhiều trường hợp khi được đưa lên đã không tỉnh, không thở nhưng không được cấp cứu ngừng tim ngay, thay vào đó lại bị bế dốc chạy vòng quanh, làm chậm trễ cấp cứu, tăng nguy cơ trào ngược khiến trẻ dễ hít phải các chất dịch từ dạ dày vào phổi.
TS-BS Phan Hữu Phúc, Viện trưởng Viện Đào tạo và nghiên cứu sức khỏe trẻ em, Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, cho hay: Sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu ô xy. Thời gian chịu đựng thiếu ô xy của não tối đa chỉ khoảng từ 3 – 5 phút. Quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Do đó, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay, vì đây là thời gian vàng để cứu sống trẻ.
BS Phan Hữu Phúc cho biết, tại bệnh viện, để hồi sức thành công được các trường hợp ngừng tim do đuối nước, cần áp dụng phối hợp rất nhiều biện pháp hồi sức tích cực. Bên cạnh các biện pháp hồi sức thường quy, BV Nhi T.Ư đã áp dụng liệu pháp hạ thân nhiệt chủ động, nghĩa là dùng các thiết bị đưa thân nhiệt cơ thể trẻ giảm xuống 33 – 34 độ C trong một vài ngày để bảo vệ não, tránh não tổn thương nặng hơn, giúp hồi phục trở lại.
“Tuy nhiên chỉ định và hiệu quả của liệu pháp hạ thân nhiệt phụ thuộc vào thời gian trẻ ngừng tim và trẻ có được hồi sức tim phổi kịp thời và đúng cách hay không”, BS Phúc lưu ý.
“Trường hợp trẻ ngừng tim kéo dài nhưng trong suốt khoảng thời gian đó trẻ được hồi sức tim phổi tốt thì kết quả điều trị sẽ tốt hơn. Ngược lại, nếu trẻ chỉ ngừng tim 5 – 7 phút nhưng lại không được xử lý cấp cứu ban đầu đúng cách thì kết quả điều trị sẽ không khả quan bằng”, BS Phúc nhấn mạnh.
SƠ CỨU ĐÚNG CÁCH QUYẾT ĐỊNH SỐNG CÒN
Qua thực tế tiếp nhận hàng trăm trẻ cấp cứu do đuối nước trong các năm qua, các BS của BV Nhi T.Ư lưu ý mặc dù đã được ngành y tế truyền thông rộng rãi nhiều năm nay nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa nắm được kỹ năng cấp cứu đúng khi tiếp cận xử trí một trẻ bị đuối nước.
Theo đó, không được dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy, việc này làm cho các dịch ở dạ dày trào ngược hít vào đường thở và làm chậm trễ hồi sức tim phổi (ép tim, thổi ngạt), làm mất thời gian vàng để cấp cứu trẻ. Không được ngừng hồi sức tim phổi nếu trẻ chưa có nhịp thở. Khi ép tim ngoài lồng ngực, không ấn ngực quá mạnh sẽ gây gãy xương sườn, đụng dập phổi. Cần đưa tất cả trẻ bị đuối nước đến các cơ sở y tế để tiếp tục kiểm tra và theo dõi các biến chứng sau đuối nước.
Mùa hè là thời điểm trẻ em thường xuyên tham gia hoạt động bơi lội hoặc đi chơi, du lịch ở những địa điểm có hồ nước, sông, suối, biển… Loại bỏ nguy cơ đuối nước cho trẻ em tại cộng đồng, gia đình, trường học. Ao, hồ, dụng cụ chứa nước trong gia đình phải có rào chắn, nắp đậy; cắm biển cảnh báo tại sông suối, hồ nước… Các khu vực bơi công cộng phải được giám sát bởi nhân viên cứu hộ được huấn luyện về các kỹ thuật cứu hộ.