Nếu có kế hoạch tỉ mỉ cho từng giai đoạn của cuộc đời, bạn có thể rút ngắn thời gian làm việc so với độ tuổi nghỉ hưu quy định. Bà Trần Thị Mai Hân – chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT – cho biết, trước khi lập kế hoạch tài chính, bạn cần đánh giá tình hình tài chính hiện tại cũng như các mục tiêu hướng đến khi nghỉ hưu.
Các yếu tố sau cần được xác định và đánh giá cho cả giai đoạn trước và sau nghỉ hưu: các nguồn thu nhập, chi phí dự kiến, tài sản và nợ vay hiện có, dự kiến nguồn thừa kế được nhận và thừa kế lại cho người thân, kiến thức, kinh nghiệm đầu tư và khẩu vị rủi ro của bản thân.
Ngoài ra cũng cần lưu ý các yếu tố liên quan như tình hình kinh tế – xã hội, luật pháp, các sản phẩm tài chính trên thị trường. Điều này sẽ giúp bạn có cơ sở để đưa ra một kế hoạch vận dụng các sản phẩm tài chính và đầu tư phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu trong ngắn và dài hạn.
Xét ví dụ cụ thể của gia đình anh An và chị Phương đã bước vào độ tuổi 45. Hai vợ chồng có dự định sẽ về hưu trong 10 năm nữa với 5 tỉ đồng đang có trong tay. Bà Trần Thị Mai Hân đưa ra những lưu ý quan trọng trong đầu tư số tiền này để hướng tới kỳ nghỉ hưu an nhàn.
Chiến lược đầu tư đến khi nghỉ hưu
Theo vị chuyên gia, đầu tư trong 10 năm là khoảng thời gian dài, cho phép gia đình anh An chọn lựa được nhiều sản phẩm tài chính, đầu tư đa dạng. Ở giai đoạn này, hiệu suất lợi nhuận kì vọng cho 10 năm có thể từ 10 – 15%/năm, trong đó lợi nhuận ở những năm cuối sẽ giảm dần khi tái cơ cấu sang sản phẩm có rủi ro thấp, tính thanh khoản cao, để chuẩn bị vào gia đoạn nghỉ hưu.
Với 5 tỉ đồng, sau 10 năm, số tiền có được tại thời điểm nghỉ hưu sẽ vào khoảng 13 – 17 tỉ đồng tùy thuộc vào hiệu quả đầu tư.
Việc duy trì hiệu suất lợi nhuận tốt và tăng trưởng bền vững là việc không dễ dàng, đòi hỏi gia đình anh An có kiến thức và kinh nghiệm đầu tư. Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư còn phụ thuộc vào sự biến động của tình hình kinh tế xã hội trong tương lai.
Chiến lược đầu tư sau khi nghỉ hưu
Giai đoạn sau khi nghỉ hưu, gia đình anh An cần chọn lựa các sản phẩm tài chính và đầu tư có hiệu suất lợi nhuận ở mức trung bình khá, tương ứng với rủi ro thấp để đảm bảo bảo toàn vốn đầu tư. Anh chị cũng cần lưu ý đầu tư vào các sản phẩm có khả năng tạo dòng tiền để bù đắp cho thu nhập thụ động sụt giảm hoặc không còn.
Định kì hàng năm, anh An và chị Phương cần phải đánh giá và cập nhật tiến độ thực hiện kế hoạch hưu trí. Qua đó xác định được những điều chỉnh cần thiết để có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Chương trình Tài chính thông minh được phối hợp thực hiện bởi Báo Lao Động và CTCP FIDT – Đầu tư và quản lý gia sản. Chuỗi video được phát sóng vào 19h tối thứ Năm hàng tuần với sự tham gia của các chuyên gia tài chính uy tín hàng đầu cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả!
Xem thêm các tin bài của chương trình Tài chính thông minh tại đây.