Sau khi đại dịch Covid-19 qua đi, gia đình tôi đón người thân là Việt kiều về thăm nhà thường xuyên hơn. Ngoài những lần gia đình họ hàng gặp gỡ, vui chơi thông thường, gần đây, có điểm mới là những anh chị có con, cháu tuổi nhi đồng còn nhờ tìm mua sách dạy tiếng Việt để mang về dạy cho các cháu nội, ngoại.
Chị họ tôi, Kim Nga, ở khu Aurota thuộc thành phố Little Elm, bang Texas (Mỹ) than thở, các cháu của chị ngày càng ít chịu nói tiếng Việt. Một phần cha mẹ chúng quá bận rộn, ít có thời gian trò chuyện với con ở nhà. Tiếc hơn nữa là nhiều cha mẹ trẻ đã không tập cho trẻ nói tiếng Việt từ nhỏ.
Chị Nga kể, trong ngôi nhà vẫn còn ba thế hệ sống chung hiếm hoi trong cộng đồng người Việt ở khu này, thứ tiếng Việt bọn trẻ hay được nghe là tiếng mẹ chúng bắt chúng học bài, giục ăn nhanh, không chơi game… Và chúng cũng chỉ chịu nói tiếng Việt mỗi khi đòi ăn món này, món nọ.
Chị Nga cho biết để khuyến khích con trẻ, nhiều gia đình dịp cuối tuần bày biện nấu món Việt, dụ bọn trẻ chọn món, rồi vờ hỏi thật nhiều để chúng nói tiếng Việt. Hoặc đưa ra nhà hàng Việt cho các bé tự đọc menu và tự gọi món bằng tiếng Việt. Từng chút một, họ hy vọng thông qua việc miêu tả món ăn, gợi nhớ thành phần món ăn, tên gọi… ít nhiều gì cũng sẽ giúp bọn trẻ tăng vốn từ vựng lên. Vào ngày nghỉ, nhiều phụ huynh cũng mở các chương trình gameshow của Việt Nam cho con nghe, bày trò vui có thưởng…
Theo thống kê chưa đầy đủ, ở Mỹ hiện có gần 200 cơ sở, trung tâm dạy tiếng Việt, tập trung nhiều ở các bang đông người Việt sinh sống như California, Texas, Washington… nhưng chủ yếu vẫn trông chờ vào đội ngũ giáo viên tình nguyện, phần lớn theo mô hình nhỏ lẻ, tự phát. Họ tự mày mò tìm mua những cuốn sách dạy tiếng Việt, những cuốn sách về văn hóa, lịch sử Việt Nam, tham khảo thêm các hình ảnh, video trên mạng để soạn giáo án của riêng mình.
Thực tế, tại một số chùa và nhà thờ có cộng đồng người Việt sinh sống đều có những lớp dạy thêm tiếng Việt vào cuối tuần do những người lớn tuổi đã về hưu đứng ra tổ chức. Nhưng theo anh Thuyên Nguyễn, bác sĩ đang sinh sống ở khu Renwick, thành phố Houston, bang Texas, hình thức này cũng dần kém hiệu quả. Việc đưa đón các con đến lớp học tiếng Việt cũng không phải dễ đối với những bậc cha mẹ đang đi làm.
Đại dịch Covid-19 cùng với sự phát triển của công nghệ đã tạo cơ hội xuất hiện nhiều nhóm nhận dạy tiếng Việt trực tuyến qua nền tảng Zoom. Bên cạnh đó, một số phương tiện trực tuyến, như kênh YouTube dạy tiếng Việt lớp 1 của Đài Truyền hình VTV, app Monkey Junior… được nhiều phụ huynh tín nhiệm.
Trở lại với câu chuyện của chị Nga. Theo sự giới thiệu của nhiều người bạn trong nước và hải ngoại, chị đã tìm mua bộ “Chào tiếng Việt” – bộ sách dạy tiếng Việt cho trẻ em kiều bào vừa giành giải A quốc gia 2023 của cô Thụy Anh, bộ sách “Tiếng Việt vui”, bộ Tiếng Việt trình độ A, B, C của Đoàn Thiện Thuật, Tiếng Việt cơ sở của Nguyễn Việt Hương… cho đến bộ Lịch sử Việt Nam bằng tranh màu, tiếng Việt và cả tiếng Anh. Chị còn nhờ mua truyện tranh hoàn toàn bằng tiếng Việt, ca dao tiếng Việt có hình… để về bên ấy mỗi ngày ông bà “dụ” cháu vừa xem hình vừa học.
Dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ đang được quan tâm và đẩy mạnh. Ngoài việc học ngữ pháp, từ vựng cơ bản cho người mới bắt đầu đọc, viết… các em còn được hỗ trợ để giao tiếp tốt trong các tình huống thực tế. Một số trường đại học danh giá ở Mỹ như Đại học Yale, Đại học Brown, Đại học Princeton, Đại học North Carolina, Đại học Houston, Đại học California, Đại học Washington… cũng đã dạy tiếng Việt cho sinh viên theo chương trình lấy tín chỉ mặc dù các khóa học còn tương đối ít.
Đối với con trẻ bậc mẫu giáo và tiểu học, tiếng Việt đã được dạy chính thức trong chương trình tại một số trường tiểu học, đầu tiên là ở bang California. Mặc dù số học sinh theo học chưa nhiều, nhưng đây là dấu hiệu tốt khi tiếng Việt được xem là ngoại ngữ chính thức trong hệ thống giáo dục công lập ở Mỹ.
XUÂN HẠNH