Những éo le, khắc nghiệt mà lịch sử để lại trong nhiều gia đình Nam – Bắc khi đất nước chia đôi, anh – em, cha mẹ – con cái, bạn bè, người yêu bỗng chợt trở thành những người ở hai bên chiến tuyến là chuyện không lạ, nhưng với nhãn quan của một nhà báo “có máu, có dòng”, Lưu Đình Triều đã quan sát kỹ lưỡng chính mình, kể chuyện chi tiết và chân thực, để người đọc hôm nay – dù có là người quen, dù đã 49 năm sau – vẫn cảm được những nhói đau riêng trong câu chuyện chung của đất nước.
Là khi chàng thiếu úy Việt Nam Cộng hòa 22 tuổi hạ quyết tâm “ở lại với hy vọng được gặp, được biết mặt ba má sau 21 năm xa cách, dù có phải trả giá nào chăng nữa”.
Là sau phút hội ngộ như lắng cả 21 năm, giọng hát ngây thơ của cô em gái chưa bao giờ biết mặt qua băng ghi âm như xoáy vào tim anh trai:
“Sài Gòn đó quê ta ơi trong biển lửa vẫn ngời ngời/ Ta đi như sóng căm hờn dâng trào, xô lên trên xác quân thù hung bạo…”.
Là những hoang mang, hờn dỗi, chờ trông lẫn phó mặc trong trại cải tạo.
“Âu cũng là số phận”, hơn hai lần Lưu Đình Triều thốt lên trong tự truyện của mình. Tủi thân – có. Trả giá – có. Mặc cảm – có. Khoảng cách – có.
Hiểu và chấp nhận dấu chân của lịch sử trong cuộc đời mình, đặt xuống những hờn trách, anh đã từng bước vượt qua bằng nỗ lực bản thân, từng bước đặt chân theo con đường của ba má: trở thành một nhà báo cách mạng.
Đến muộn, đi sau, Lưu Đình Triều vẫn trở thành một nhà báo có tên tuổi, có thành quả, có sự nghiệp, góp phần làm nên thương hiệu Tuổi Trẻ.
Câu chuyện cuộc đời của nhà báo Lưu Đình Triều không xa lạ với bạn đọc Tuổi Trẻ, nhưng lạ và đáng đọc trong những ngày tháng 4 này là vì hôm nay anh nhìn lại đời mình với cặp mắt từng trải của một nhà báo 70 tuổi.
Cuộc đời cậu bé Triều những ngày lang thang “đá cá lăn dưa”, những ngày ngược xuôi tìm con chữ; cuộc đời cậu thanh niên Triều lao vào học hành để trốn lính rồi lại phải đi học sĩ quan, huấn nhục rồi hành quân, trải qua biến động lịch sử rồi lại đi học, đi làm; cuộc đời nhà báo đầy thú vị với những cơ hội cống hiến song đôi với những “chiếc bẫy nhạy cảm” chực chờ… được đặt vào bối cảnh xã hội, bối cảnh lịch sử để tái hiện, để lý giải.
Chuyện riêng đặt trong chuyện chung, chuyện chung chi phối chuyện riêng, cuộc đời Lưu Đình Triều mà không phải là riêng anh Triều nữa.
Bao nhiêu gia đình đã trải qua biến động phân ly như gia đình anh, bao nhiêu thanh niên đã phải trải qua “lột xác, đổi đời” để được tiếp tục đời mình như anh, bao nhiêu người đã vượt qua, bao nhiêu người đã phải gục ngã, phải rẽ lối?…
Nhà báo Lưu Đình Triều 70 tuổi đã tự hỏi và tự trả lời: “Đời, có yêu tôi? Có có! Không, không! Dù đời lúc này lúc khác, yêu hoặc không yêu thì chính tôi vẫn phải làm chủ đường đi, lối rẽ của mình”.
Đường đó anh đã đi, là đường song hành cùng hòa hiếu, hòa hợp, hòa bình của đất nước. Và tất nhiên, đã sống một cuộc đời không phải của riêng mình, lối đi anh Triều chọn cũng là lối đi chung.