Cách đây gần 30 năm, người dân xã Đa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa đi Nam Định, Thái Bình nhặt những quả sú vẹt về ươm giống, trồng ở bãi biển. Giờ thì sú vẹt rậm rạp ngăn sóng, giữ bùn. Cả một không gian trù phú hứa hẹn một hệ sinh thái xanh…
Lướt trên bãi lầy lấy lộc trời
Đồng hồ điểm 12h trưa. Thấp thoáng trong rừng sú vẹt những bóng người khom lưng lướt trên bãi bồi sình lầy bằng những tấm ván gỗ. Tấm ván khá lớn, chiều ngang chừng 30 cm, dài hơn một mét. Dân vùng này gọi vui các tấm ván này là “Honda biển”.
Honda biển có thể giúp họ di chuyển dễ dàng trên bãi bồi sụt lún trong rừng sú vẹt và chuyên chở được những sản vật họ thu lượm được.
Trước mặt tôi, những bóng người bịt kín mít lướt dần về bờ. Đa phần họ là phụ nữ, hay đàn ông luống tuổi không có khả năng đi biển xa, chỉ mưu sinh quanh bờ, trong khu rừng ven biển hình thành chưa lâu này.
Trên bờ kè, đứng cạnh chúng tôi có 4, 5 thương lái đang đợi sẵn để chờ mua hàng. Phía biển, lần lượt từng người rời chiếc “honda biển” khệ nệ xách theo những túi đầy ắp các loài thuỷ sản như vẹm, cáy, cua, quéo…
Những thứ này đã trở thành món ăn đặc sản của các địa phương ven biển ở Hậu Lộc (Thanh Hóa) và đang được khách hàng tìm mua ngày càng nhiều.
Chúng tôi hỏi chuyện người phụ nữ ngoài 60 tuổi, gương mặt khắc khổ. Bà cho biết tên là Bùi Thị Đợi. Thắc mắc vì sao cái xe gỗ nặng thế mà vẫn trôi dưới bùn lầy được, bà Đợi bảo: “Dễ lắm, dễ hơn đi xe honda trên bờ. Cứ để xuống lắc, đạp như chèo thuyền là nó trôi thôi”.
Hôm nay, đây là lần thứ 2 bà Đợi cập bờ để cân vẹm và ốc xoắn. Lần đầu bà đã cân, bán được hơn 3kg vẹm và gần 5kg ốc xoắn, thu gần 200 nghìn đồng. Lần này, mặt trời quá đỉnh đầu, túi cũng đã căng đầy, bà về sớm để cân cho kịp giờ. Cũng với số lượng tương tự như lần trước, bán được gần 300 nghìn đồng.
“Tôi làm nghề này từ năm 20 tuổi. Lúc trẻ thì nuôi các con, giờ thì nuôi mấy đứa cháu ngoại (bố mẹ cháu ly hôn bỏ đi làm ăn xa – PV). Vất vả, cơ cực lắm. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi 63 tuổi, đã già, làm ăn như hiện nay là được rồi”, bà vừa nói, vừa xòe số tiền buổi hôm nay kiếm được cho chúng tôi xem.
Bà Đợi người thôn Ninh Phú, xã Đa Lộc. Trước đây, ngày mới theo nghề mò cua, bắt cá, khi vào rừng, bà phải đánh dấu chân mới tìm được đường ra, không là bị lạc.
Hơn 40 năm gắn bó với những bãi bồi trong khu rừng ngập mặn này, giờ đường đi lối lại ở khu vực bãi bồi trở nên quen thuộc với bà như từng ngóc ngách trong căn nhà của mình. Hết xuân đến hè, hầu như ngày nào bà cũng có mặt ở đây. Cứ 3h sáng, chân đeo ủng, tay đeo găng, bà xách chiếc “honda”, chiếc xô, túi lưới vào khu rừng này.
Bà Đợi cho biết, bà gắn bó, nương nhờ nơi này vì chồng bà bị bệnh nằm ở nhà 24 năm qua. Ngày khỏe thì đi sớm còn kiếm được đồng ra đồng vào, ốm thì ở nhà tiêu hết tiền tích góp. Còn bản thân bà sau bao năm lăn lộn sương gió trong khu rừng, nay cũng lâm bệnh trọng.
Mới đây, bà cầm bảo hiểm hộ cận nghèo ra Hà Nội khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị K vòm họng. Chúng tôi hỏi sao không chạy chữa mà vẫn đi vào rừng mò cua, bắt ốc, bà bảo: “Không có tiền thuốc thang. Cứ liều đi. Đói thì phải bò thôi!”.
Rừng mở đến đâu nguồn sống cho dân đến đó
Bán xong hàng, bà Đợi rảnh rỗi, ngồi chỉ dẫn cho chúng tôi cách tìm bắt con vẹm: “Vẹm thường làm tổ dưới lòng đất. Bắt được những con đặc sản này quả là khó khăn. Người có kinh nghiệm mới phát hiện ra tổ của chúng ở đâu, di chuyển như thế nào và vùng nào chúng tập trung sinh sống. Tổ chúng làm dưới gốc cây sú vẹt đó. Khi con vẹm vào làm tổ sẽ để lại vết chân, đó là hang có vẹm. Muốn bắt được nó, có khi phải dầm mình xuống, móc sâu hết cả cánh tay mới tới”.
Dù có vất vả nhưng việc kiếm được 300 – 500 nghìn đồng/ngày từ khu rừng sú vẹt ngập mặn này với bà Đợi và nhiều người dân ở đây là điều họ cảm thấy rất hài lòng. Và điều họ mừng hơn là trong khi trên miền núi, rừng ngày càng bị thu hẹp, cạo trọc thì ở đây, rừng ngày càng được mở rộng.
Theo các khảo sát của ngành nông nghiệp và các địa phương, rừng ngập mặn có tác dụng bồi cao nền đất, giống như bức tường xanh bảo vệ đê biển. Trải qua mùa bão lũ, triều cường, các đoạn đê biển có rừng ngập mặn che chắn đều không bị sạt lở, góp phần phòng ngừa thảm họa thiên nhiên. Với người dân, nhất là phụ nữ, rừng ngập mặn mang lại nguồn lợi thủy, hải sản, sinh kế đáng kể. Ở các địa phương ven biển, từ người dân đến cán bộ lãnh đạo xã, huyện đều nhận thấy rất rõ vai trò to lớn của việc trồng mới, mở rộng rừng ngập mặn.
Không chỉ kiếm con vẹm, con cua, con ốc, con ngao dưới lớp bùn của rừng ngập mặn như bà Đợi, nhiều gia đình ở Đa Lộc đã bắt đầu kiếm được nhiều tiền từ trên ngọn cây sú vẹt bằng cách nuôi ong, hút mật hoa để lấy mật. Thậm chí, do diện tích rừng rộng, nhiều hoa, vào mùa hoa sú vẹt nở rộ (từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm), những tốp nuôi ong di cư cũng tìm về đây để lấy mật ong.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Thanh Duy, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Lộc, phụ trách rừng Đa Lộc hơn 30 năm qua.
Ông Duy bảo, từ khi rừng ngập mặn hình thành đã ngăn được sóng biển khi gió bão. Ngoài ngăn được sóng, rừng còn giữ được bùn ở lại. Đây cũng là nơi hải sản vào sinh sống nên tạo nguồn mưu sinh cho nhiều hộ dân quanh khu vực.
“Những ngày đầu, chúng tôi phải đi Nam Định, Thái Bình lấy những quả sú vẹt về để ươm giống và giao cho Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ trồng. Giờ thì rừng ngập mặn ở Đa Lộc đã lên đến gần 500ha”, ông Duy nói, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt rám nắng.
Còn Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc Vũ Văn Trung cho biết, mỗi năm, những dải rừng sú vẹt ở ven biển Hậu Lộc vẫn đang được tiếp tục mở rộng thêm. Diện tích rộng lớn, cùng với độ mặn phù hợp được xem là nơi lý tưởng cho các loài ốc, cáy, cua, hay vẹm, quéo… sinh sản, phát triển quanh năm. Nhờ vậy, người dân có thể đi bắt suốt bốn mùa…
(Nguồn: Tiền Phong)