Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 55 điều (giảm 4 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 55 điều, bỏ 6 điều, bổ sung mới 2 điều). Điểm được coi là kỳ vọng về sự đột phá trong lần sửa đổi lần này có việc quản lý biên chế và vấn đề thu nhập tăng thêm.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định về chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô là cần thiết, tương đồng với chính sách đặc thù đang được Quốc hội cho thí điểm thực hiện tại TPHCM và một số địa phương khác để giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội bảo đảm đời sống, yên tâm công tác, cống hiến lâu dài, có hiệu quả cho sự phát triển của Thủ đô.
Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng, hiện nay các cơ quan hữu quan đang khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 104/2023/QH15 của Quốc hội, nên vấn đề này cần được đặt trong tổng thể cải cách tiền lương mới nói chung. Do đó, đề nghị không quy định về thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô trong dự thảo Luật.
Chính bởi do còn có ý kiến khác nhau nên đang được Thường trực Uỷ ban Pháp luật trình xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dĩnh – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, chủ trương cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27, và chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức là hai vấn đề khác nhau. Bởi cải cách chính sách tiền lương là áp dụng chung trên cả nước, còn thu nhập tăng thêm là cái “đặc thù” trong dự thảo Luật Thủ đô. Do đó nên quy định trong luật về việc thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô.
Cùng quan điểm, ông Trương Xuân Cừ (ĐBQH Đoàn Hà Nội) cho rằng, nên quy định trong luật về việc thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô. Luật Thủ đô để giải quyết những vấn đề khác biệt so với luật khác, thì phải làm sao để trở thành động lực phát triển, đảm bảo công bằng, và phát huy được tính tích cực. Còn ông Hoàng Văn Cường – Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nói rằng, nên cho phép Hà Nội xác định tổng quỹ lương dựa trên tổng biên chế được tính theo mức bình quân chung.