Tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó đội dân phòng được bố trí ở các thôn, tổ dân phố là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương làm nòng cốt hỗ trợ công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Dự kiến mỗi tổ sẽ có từ ba đến năm thành viên.
Theo đó, sau khi được kiện toàn, dự kiến toàn quốc có 83.944 tổ bảo vệ ANTT, với 291.409 thành viên. Theo luật định, lực lượng này có sáu nhiệm vụ: Hỗ trợ nắm tình hình về ANTT; hỗ trợ xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; hỗ trợ tuần tra, bảo đảm ANTT, an toàn giao thông, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT khi được điều động.
Ngay trong sáng 1/7, Bộ Công an đã lựa chọn 12 địa phương làm điểm lễ ra mắt gồm: Lào Cai, Sơn La, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Nam, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Cà Mau; đồng thời được tổ chức đồng loại tại các địa phương còn lại trên cả nước. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chọn một địa bàn cấp huyện để tổ chức điểm lễ ra mắt.
Dự lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tại tỉnh Nghệ An, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Công an cho biết, thời gian qua, lực lượng bảo vệ ANTT tại cơ sở đã thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở. Việc Quốc hội ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có ý nghĩa rất quan trọng, là cột mốc đánh dấu sự ra đời về mặt pháp lý, để tiếp tục xây dựng, củng cố, duy trì các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đắk Lắk là một trong 12 địa phương tổ chức điểm lễ ra mắt lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở. Theo đó, toàn tỉnh có 2.199 tổ tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Phát biểu tại lễ ra mắt, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Công an cho rằng, trong công tác bảo đảm ANTT, việc nắm bắt tin nhanh, triển khai xử lý thông tin kịp thời, chỉ huy chính xác sẽ hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả, tác hại. Do đó, việc triển khai kịp thời kênh thông tin liên lạc giữa lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở với lực lượng công an xã chính quy là vô cùng quan trọng.
Đồng chí khẳng định: Việc bố trí lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở hỗ trợ công an xã chính quy, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ mang lại nhiều hiệu quả, bởi đây là lực lượng gần dân nhất, phát hiện những vụ việc sớm nhất; đồng thời cũng là lực lượng phòng ngừa và triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh từ cơ sở.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị, cấp ủy, chính quyền các cấp cần thống nhất nhận thức, xác định vị trí, tầm quan trọng của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, tiếp tục thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện đối với nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động của lực lượng này. Xem đây là lực lượng đồng hành, là tai mắt, là cánh tay nối dài của lực lượng Công an nhân dân và có vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm ANTT ngay tại địa bàn cơ sở.
Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ được ra mắt, với tổng số 519 người; trong đó, 369 người được kiện toàn từ ba lực lượng: công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, đội trưởng, đội phó dân phòng và 150 người được tuyển mới theo tiêu chuẩn Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Tại buổi lễ, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phạm Đức Toàn đề nghị, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo các địa phương xác định rõ vị trí, tầm quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ, động viên, khích lệ lực lượng này thực hiện tốt nhiệm vụ.
Vinh dự và tự hào được đứng trong hàng ngũ, là cánh tay nối dài của lực lượng công an xã, chị Phạm Thị Tuyết, ở Tổ 8, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ chia sẻ: “Tôi tham gia lực lượng bảo vệ dân phố, đội dân phòng từ năm 1993 đến nay. Suốt thời gian qua, công việc dù rất vất vả nhưng được nhân dân, chính quyền tin tưởng nên tôi luôn đặt trách nhiệm cố gắng làm việc hết sức mình. Từ năm 2019 đến 2022, dù không còn chế độ hỗ trợ lực lượng bán chuyên trách nhưng tôi vẫn nhiệt tình tham gia. Từ ngày 1/7, chúng tôi được hỗ trợ hằng tháng, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cũng như được trang bị trang phục, công cụ hỗ trợ, có địa điểm, nơi làm việc, trong tôi dấy lên sự nhiệt huyết và tự hào. Tôi tin, cùng với các lực lượng chính quy, đội ngũ của chúng tôi sẽ đóng góp không nhỏ trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự tại địa bàn dân cư”.
Cùng với khí thế chung của cả nước, tại sân vận động huyện Duy Xuyên, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Là một thành viên của lực lượng bảo vệ ANTT xã Duy Phú, ông Nguyễn Văn Lân, 45 tuổi cho biết: “Trước khi Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được Quốc hội thông qua, có hiệu lực, tôi là công an viên bán chuyên trách từ năm 2011. Hôm nay, được đứng trong hàng ngũ lực lượng bảo vệ ANTT xã, tôi nguyện sẽ luôn phấn đấu, tiếp tục rèn luyện, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ sự bình yên cho địa phương, người dân, trong đó có gia đình mình”.
Cùng chung niềm vui trong ngày ra mắt, là một trong 575 thành viên của 131 Tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở toàn thành phố Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, 58 tuổi, ở phố Hàng Dầu, phường Lý Thái Tổ không giấu nổi niềm tự hào bởi mình là gương mặt nữ vốn ít ỏi trong lực lượng. Bà Thủy chia sẻ: “Tôi tham gia lực lượng dân phòng từ năm 2017. Nay, dù không ở độ tuổi sung sức nhưng sức khỏe vẫn bảo đảm yêu cầu. Bên cạnh đó, tôi có sự nhiệt tình, kinh nghiệm trong công việc. Thời gian tới, công việc chắc chắn vất vả hơn do được giao thêm trọng trách, tuy nhiên tôi sẽ sắp xếp công việc gia đình ổn thỏa, động viên để chồng, con ủng hộ, tạo điều kiện để tôi yên tâm hoàn thành nhiệm vụ”.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thị Hà, dự kiến Thủ đô Hà Nội sẽ thành lập hơn 5.400 tổ bảo vệ ANTT với hơn 21.200 thành viên tại các thôn, tổ dân phố.
Thời gian tới, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch chưa từ bỏ ý định chống phá, kích động, lôi kéo gây mất ANTT trên địa bàn; các loại tội phạm và tệ nạn xã hội tuy được kiềm chế nhưng phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, tội phạm có tổ chức, do đó nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội đang đặt ra cho chúng ta nhiều khó khăn, thách thức hơn, đòi hỏi phải có sự đồng lòng, chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Trong đó, công tác bảo đảm ANTT ở địa bàn cơ sở có ý nghĩa nền tảng, hết sức quan trọng góp phần xử lý kịp thời các vụ việc từ sớm, từ xa và ngay từ cơ sở, không để hình thành “điểm nóng, phức tạp” về ANTT. Bởi vậy, việc tiếp tục phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay là đòi hỏi cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở trong tình hình mới.
Nguồn: https://nhandan.vn/luong-sinh-khi-moi-trong-phong-trao-toan-dan-bao-ve-an-ninh-to-quoc-post817114.html