Lương tăng mỗi năm nhưng chỉ là bù trượt giá
Thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 sáng nay, 24/10, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói về nội dung rất được quan tâm tại kỳ họp này là cải cách tiền lương.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH khái quát, Trung ương đã thông qua Nghị quyết 27 từ năm 2018 nhưng những năm qua chưa thực hiện được. Theo ông, thực tế, mỗi năm nhà nước vẫn xem xét điều chỉnh lương nhưng mới chỉ ở mức bù vào trượt giá, chưa phải cải cách tiền lương.
“Đây là thời điểm chín muồi để thực hiện cải cách căn bản tiền lương. Lương là giá cả của sức lao động, đầu tư cải cách tiền lương là đầu tư cho sự phát triển. Hiện nay, cả nước đã chuẩn bị đủ các điều kiện để thực hiện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích những bất cập, cản trở trong chính sách tiền lương hiện nay. Lương kỹ sư ra trường 3,5 triệu đồng, thấp hơn lương tối thiểu vùng thấp nhất. Trong khi đó, nguyên lý chung, lương phải đảm bảo cuộc sống của người lao động và gia đình họ.
Người đứng đầu ngành lao động đề nghị thực hiện chuẩn lộ trình cải cách tiền lương đề ra lần này, cùng với đó là cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Theo ông, doanh nghiệp nhà nước hiện đối mặt tình trạng thua lỗ và nghịch lý là công nhân thu nhập thấp nhưng lương người quản lý vẫn rất cao.
Bộ trưởng nêu quan điểm cải cách theo hướng Nhà nước không can thiệp thang bảng lương, để doanh nghiệp toàn quyền, chủ động xây dựng hệ thống lương thưởng của mình.
Bộ trưởng cho biết: “Tới đây, cả nước bỏ hệ thống thang bảng lương hiện hành. “Bàn tay của nhà nước” chỉ can thiệp ở việc ban hành mức lương tối thiểu”.
Ngoài ra, tư lệnh ngành Lao động – Thương binh và Xã hội lưu ý, cần kịp thời điều chỉnh cho người đang hưởng lương hưu, trợ cấp.
Ông chỉ rõ, dự kiến từ 1/7/2024 khi thực hiện cải cách tiền lương, lương cơ sở được bãi bỏ, trong khi thực tế những người nghỉ hưu đã thực hiện việc đóng BHXH nhiều năm theo mức lương cơ sở.
Bộ trưởng đặt câu hỏi, vậy tới đây, người hưởng lương hưu, trợ cấp có được cải cách tiền lương? “Nếu không nâng mức hưởng lương hưu, vô hình chung sẽ để người hưu trí tụt lại phía sau, càng xa hơn so với thực tế đời sống xã hội”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Tăng lương kiềm chế lạm phát
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho biết, điểm nhấn 2024 là tăng lương thực hiện Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị. Hiện nay Chính phủ đã xây dựng đề án cải cách tiền lương, đang chờ trình Quốc hội thông qua.
“Theo đề án này, lương của các bộ công chức và lực lượng liên quan sẽ tăng từ 1/7/2024. Vấn đề đi kèm với tăng lương là phải kiểm soát lạm phát. Có thể nhận thấy mỗi lần tăng lương, kể cả lương đối với người nghỉ hưu đều có tác động đến giá cả, lạm phát”, bà Mai nói.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai dẫn chứng, theo báo cáo của Tổng cục thống kê thì chỉ riêng năm 2023 (tính 4 tháng), có đến 32% các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng cao.
“Nếu tăng lương mà không kiềm chế lạm phát thì ý nghĩa của tăng lương không được bảo đảm”, bà Mai nhận định.
Bà Mai cho rằng, cần phải tăng lương thực chất, không cào bằng. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn ở mức “chừng mực”, tăng lương là cả cố gắng lớn.
“Theo Nghị quyết 27, khi lương tăng, công chức, viên chức không còn các khoản phụ cấp khác. Chúng tôi cho rằng Chính phủ cần lưu ý, tính toán sao để khi không còn phụ cấp, người đang có thu nhập từ phụ cấp không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, đi cùng với tăng lương phải là tinh giản biên chế, để làm sao bộ máy nhà nước hoạt động thực sự hiệu quả”, bà Mai nói.
Chương trình chấn hưng văn hóa chưa tạo ra xung lực mới
Ông phân tích, tình hình thế giới diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam. Thời gian vừa qua, việc kiểm soát một số chỉ tiêu như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chưa đạt được kỳ vọng nhưng đó đã là sự cố gắng lớn của nhà nước. Thực tế nhiều nước trên thế giới đang gánh chịu mức lạm phát rất lớn, như Nhật Bản, đồng yên giảm 36%.
Bộ trưởng nêu con số thực tế, tỷ lệ thất nghiệp hiện gia tăng cục bộ. Thị trường lao động xuất hiện hiện tượng di cư ngược từ thành thị về nông thôn. Điều này báo hiệu những khó khăn như tình trạng thiếu việc làm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng.
Ở khía cạnh khác, Bộ trưởng Lao động, thực tế vừa qua đã chứng tỏ khu vực nông nghiệp, nông thôn thực sự giữ vai trò “bà đỡ” của nền kinh tế. Trong bối cảnh khó khăn chung, Việt Nam vẫn luôn nằm trong tốp 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất.
Về vấn đề kinh tế – xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, cần chú trọng đến vấn đề an ninh lương thực và tranh thủ cơ hội, lợi thế xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế ban đêm tại các khu đô thị, thành phố lớn cũng là một hướng đầu tư tốt.
“Đã đến lúc phát triển mạnh công nghiệp văn hóa. Có thể thấy rõ vấn đề này từ đêm diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink có thể đem lại lợi ích khổng lồ cho Hà Nội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tán thành mục tiêu chấn hưng văn hóa song Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận, chương trình vẫn chưa tạo ra xung lực mới cho đất nước.