Lương cao, lương thấp lao động đều… lắc đầu
Từ đầu năm đến nay, ngoài hình thức tuyển dụng qua các sàn giao dịch việc làm, nộp hồ sơ tại công ty, không ít doanh nghiệp tại TPHCM phải livestream, cử nhân viên ra các đường lớn để “lôi kéo” người lao động. Tuy vậy, các doanh nghiệp càng cố gắng thuyết phục, người lao động càng “né”.
Anh Hường, đại diện bộ phận tuyển dụng Công ty TNHH Dệt may T.D Việt Nam (TP Thủ Đức, TPHCM), cho biết, việc tuyển dụng lao động đang rất khó khăn. Gần 1 tháng nay, công ty đăng tuyển 200 lao động phổ thông từ 18 đến 55 tuổi nhưng hiện mới chỉ tuyển được 100 người.
“Công ty đã dùng đủ mọi hình thức để tuyển dụng như: thưởng nóng tiền triệu cho lao động mới, hỗ trợ tìm phòng trọ gần công ty, tăng lương hằng năm, phụ cấp đi lại… nhưng vẫn không có người ứng tuyển”, anh Hường thở dài.
Theo anh Hường, tình trạng công nhân “chê” việc do công ty đưa ra mức thu nhập chưa cao, hầu hết từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng. Với mức lương “không đủ sống”, người lao động chọn về làm việc tại các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương để tiết kiệm chi phí.
“Mức sống tại TPHCM khá cao nên thu nhập 6-10 triệu đồng chỉ giúp người lao động nuôi được bản thân, khó nuôi được gia đình. Ở TPHCM lại ngày càng chật chội, tắc đường nên họ về các tỉnh lân cận làm việc để vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm thời gian đi làm”, anh Hường nói thêm.
Không chỉ công ty T.D, ngay cả Tổng Công ty CP May Việt Tiến (quận Tân Bình, TPHCM) cũng gặp khó trong việc thu hút lao động. Từ đầu năm đến nay, công ty cần tuyển 1.000 lao động với thu nhập từ 11 đến 30 triệu đồng/tháng nhưng mỗi ngày chỉ tuyển được 20-30 người. Các vị trí tuyển dụng là: may, cắt vải, ủi, đóng gói kiểm hàng, quản lý…
“Thay vì hỗ trợ thuê trọ, hỗ trợ chi phí đi lại thì công ty trả lương cao để người lao động chủ động chi tiêu của bản thân, gia đình. Chúng tôi đưa ra mức thu nhập đủ để người lao động chi trả chi phí ở thành phố và có tiền tích lũy nhưng vẫn tuyển được rất ít lao động”, ông Ngô Thành Phát, Giám đốc điều hành Tổng Công ty CP May Việt Tiến, thông tin.
Lao động có xu hướng về quê
Chị Nguyễn Thị Lan (40 tuổi, quê Quảng Nam) cho biết, trước đây chị làm công nhân may mặc cho công ty ở quận 12, TPHCM. Mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng, bao gồm lương cơ bản và các khoản bảo hiểm, tiền chuyên cần, tăng ca, phụ cấp…
Tuy nhiên, gần 10 năm làm công nhân chị chỉ đủ trang trải qua ngày, không có tiền tích lũy. Hơn 1 tháng nay, chị đang tìm việc phù hợp với mong muốn thu nhập cao hơn nhưng đến nay vẫn chưa tìm được. Doanh nghiệp trả lương thấp thì không đủ chi tiêu, doanh nghiệp trả lương cao thì đòi hỏi tay nghề cao.
“Nhiều năm làm công nhân luôn phải “thắt lưng buộc bụng” mà không có tích lũy nên tôi muốn tìm việc mới thu nhập cải thiện hơn. Từ đây đến cuối tháng 3 nếu không tìm được công việc phù hợp tôi trở về quê làm. Ở quê tôi giờ cũng có khu công nghiệp mà lương ổn định”, chị Lan trải lòng.
Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố khó khăn khi tuyển dụng lao động mới, đặc biệt là những doanh nghiệp tuyển dụng số lượng lớn.
Đa số người lao động luôn quan tâm đến chế độ tiền lương, thời giờ làm việc, chế độ phúc lợi khi ứng tuyển. Do đó, khi người lao động thấy mức lương và phúc lợi chưa đảm bảo họ có xu hướng quay về quê để làm việc cho gần nhà. Hiện nay các địa phương đều có khu công nghiệp, khu kinh tế nên ngày càng nhiều lao động trở về quê làm việc.
Để thu hút lao động, Sở LĐ-TB&XH cho rằng, các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp tuyển số lượng lớn lao động cần quan tâm đến chế độ tiền lương, thưởng, phúc lợi nhiều hơn nữa.
“Những doanh nghiệp có các chính sách đãi ngộ tốt, nhiều cơ hội phát triển, môi trường làm việc an toàn thì việc tuyển dụng lao động sẽ thuận lợi hơn. Đồng thời chính người lao động của doanh nghiệp sẽ làm cầu nối để giới thiệu người thân, bạn bè vào làm việc khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động”, Sở LĐ-TB&XH nêu rõ.