Cuộc sống Minh A. nếu nhìn qua những bức ảnh cô đăng tải trên Facebook, người ngoài sẽ xuýt xoa vì độ thảnh thơi, sung sướng, tiêu xài thoải mái.
Tiêu xài quá mức vì sợ lạc lõng với đồng nghiệp
Đằng sau lối sống sang chảnh thể hiện trên mạng xã hội của Minh A. là thực tế hoàn toàn khác. Cô luôn sống trong cảnh thiếu trước, hụt sau.
Tiền lương làm nhân viên nội dung (content) của Minh A. cho một công ty marketing khoảng 11 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng đồ công nghệ mà cô dùng đều là của Hãng Apple: iPhone, Macbook đời mới.
“Mọi người trong tòa nhà nơi mình làm việc luôn ăn mặc sang chảnh, cầm điện thoại đắt tiền. Nên mình cũng không thể quá nhà quê, nếu không thì rất lạc lõng”, cô gái U30 với khoản tiền tiết kiệm bằng 0 tâm sự.
Mức lương chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, cộng thêm thưởng cuối năm, lẽ ra Minh A. cũng có dư. Nhưng cô đã dồn hết vào mua đồ, trải nghiệm.
Mỗi ngày, cô gái trẻ dành hàng giờ lướt Facebook, Instagram, ngắm nhìn cuộc sống sang chảnh của những người bạn cùng trang lứa.
Dù biết thu nhập mình có hạn, cô vẫn quyết định mua điện thoại đời mới trả góp. Cô sắm sửa quần áo, mỹ phẩm đắt tiền.
Minh A. là một trong nhiều bạn trẻ hiện nay đang chạy theo lối sống tiêu dùng. Họ thường tiêu xài vượt quá khả năng tài chính bản thân.
Một phần họ chịu áp lực từ mạng xã hội. Ở nơi mà ai ai cũng khoe mẽ cuộc sống giàu sang, khiến họ cảm thấy mình phải tiêu xài giống như vậy để được công nhận.
Đặc biệt, trong bối cảnh lương giảm, vật giá leo thang, lối tiêu xài này khiến những bạn trẻ như Minh A. dễ “viêm màng túi”.
Vay mượn bạn bè tậu đồ công nghệ, đồ hiệu
Minh A. nói tiền thưởng Tết vừa rồi vừa đủ mua một chiếc Macbook đời mới. Mục đích quan trọng là để đem đi cà phê làm việc cho sang. Trong quán cà phê bây giờ ai cũng xài loại này.
Cô tự đánh giá với công việc không cần laptop cấu hình quá cao, loại máy trên dưới 10 triệu đồng là đã có thể xử lý ổn tác vụ. “Nhưng nó không phải Macbook”.
Để có được những món đồ ngon nghẻ và những chuyến du lịch, Minh A. bấm bụng tiêu xài phần lớn lương hằng tháng.
Nhiều lúc cô phải vay mượn bạn bè, người thân hoặc chọn cách trả góp qua nhiều tháng.
“Như chiếc điện thoại này, mình trả góp một năm. Đến tháng 4 năm sau (2025) mới xong”, cô chia sẻ.
Ngoài ra, tiền chi cho việc ngồi quán cà phê làm việc của cô cũng không ít.
“Một ly cà phê trong quán rẻ nhất cũng 45.000 – 55.000 đồng. Nhưng ở nhà tôi không làm được việc”, cô nói.
Đã có hai con và không thảnh thơi như Minh A. Thanh V. (30 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) làm cho một cơ sở may mặc nhỏ.
Lương mỗi tháng gần 8 triệu đồng, cô gái quê Bạc Liêu hầu như không đóng góp vào chi tiêu chung của gia đình, mà để chồng tự xoay xở.
Để giảm áp lực chi tiêu, vợ chồng V. gửi đứa con lớn (6 tuổi) cho bà ngoại ở quê.
Mỗi tối, cô lướt TikTok xem các phiên livestream (phát trực tiếp) của các kênh bán đầm váy, son môi, kem dưỡng da…
Khi chốt đơn, sợ chồng biết mình mua quá nhiều đồ nên V. để địa chỉ nhận hàng ở chỗ làm.
V. thường mua mỹ phẩm khuyến mãi một tặng một. Dù vẫn còn xài cả năm chưa hết, cô đã mua dự trữ vào những dịp khuyến mãi “ngày đôi” như 9-9, 10-10… Những khi kẹt tiền, cô hỏi mượn bạn bè, người thân, nhưng có khi “quên” trả.
Mấy năm ngắn ngủi, V. đổi điện thoại 3 lần. Khi chiếc xe số của hai vợ chồng vẫn còn chạy tốt, V. bàn với chồng mua trả góp chiếc Yamaha Exciter đời mới gần 60 triệu đồng. Họ cũng đang trả góp chiếc quạt hơi nước 9 triệu đồng.
Đặc biệt, cô ám ảnh với việc làm đẹp. V. chi hơn 1,5 triệu đồng/tháng mua viên uống đẹp da. Chưa kể các loại kem, mặt nạ dưỡng…
Hai vợ chồng thường cãi nhau cũng vì chuyện tiêu xài này. Và vì V. mải mê lướt mạng, mua sắm, không chơi đùa với con.
Những lúc như vậy, V. nói: “Sao anh không chơi với con đi mà nạnh em?”.
Không có nhiều tiền nhưng Hữu D. (26 tuổi, ngụ quận Tân Bình) trước giờ chỉ ưa thích xài đồ hiệu. Thời sinh viên không làm gì ra tiền, D. canh mua những món đồ hiệu đã qua mùa.
D. giải thích rằng đồ hiệu xài bền, nhìn bản thân slay (sang chảnh), lại rất có lợi khi đi làm, giao tiếp.
Từ chỗ dành dụm tiền và săn sale để mua, trong những dịp đi chơi, đi ăn cùng bạn bè nơi các trung tâm mua sắm, D. mạnh tay mua luôn với giá gốc. Áo sơ mi, quần jeans mua từ 1,5 triệu đồng, giày dép từ vài triệu đồng.
Còn đồng hồ, D. lý luận rằng chiếc đồng hồ xịn thể hiện vị thế. Khi gặp gỡ, khách hàng sẽ nể mình. Năm ngoái, anh chi hơn 20 triệu đồng mua chiếc đồng hồ mới, trong khi đã có vài chiếc vẫn chưa kịp cũ.
Dù sau này áp dụng mua trả góp một số món, anh chàng cho biết cuối tháng nhìn lại những gì mình tiêu xài thấy tốn kém nhiều. Và bản thân D. cũng chưa có kế hoạch dành dụm gì, “nhưng thôi kệ, còn trẻ mà”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/luong-khong-bao-nhieu-ma-thich-tieu-xai-lo-vi-khoai-sang-chanh-20241019222843315.htm