Lương hưu bình quân 6,2 triệu đồng/tháng là cao hay thấp?

Báo Dân tríBáo Dân trí08/02/2025

(Dân trí) - Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lương hưu của Việt Nam không phải là thấp, chỉ một bộ phận người lao động về hưu trước năm 1995 chưa cao.


Về mức lương hưu hằng tháng, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thông lệ quốc tế cho thấy, lương hưu được so sánh với thu nhập bình quân đầu người.

Tại Việt Nam lương hưu bình quân của nước ta hiện nay là 6,2 triệu đồng/tháng. Trong khi GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 USD.

Ông Giang nêu thêm ví dụ ở Hàn Quốc, trợ cấp lương hưu tuổi già bình quân khoảng 13 triệu đồng/tháng, tương đương 156 triệu đồng/năm. Còn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người khoảng 36.000 USD, tương đương 864 triệu đồng.

Theo Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, như vậy, lương hưu của Việt Nam không phải là thấp, mà chỉ một bộ phận người lao động về hưu trước năm 1995 chưa cao. Bởi thời điểm đó, lao động có thời gian làm việc ngắn, về hưu sớm.

Năm 1995, tỷ lệ hưởng lương hưu ở Hàn Quốc là 50%, tương đương với 40 năm đóng góp. Song do áp lực cân đối, mỗi năm giảm 0,5%, dẫn tới tỷ lệ dự kiến còn 40% vào năm 2028. Do tỷ lệ 40% quá thấp, nên tỷ lệ lương hưu đang giữ ở mức 42%.

Ông Giang cho hay, theo tính toán năm 2023, quỹ hưu trí quốc gia của Hàn Quốc đạt 1.775 tỷ won, tương ứng hơn 7.000 tỷ USD - đứng thứ 3 thế giới. Song, quỹ này sẽ thâm hụt từ năm 2041 và cạn kiệt vào năm 2055. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc trình Quốc hội tăng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.

Do áp lực vào quỹ hưu trí, Hàn Quốc dự kiến tăng dần tỷ lệ đóng từ 9% lên 13%, song giữ tỷ lệ hưởng ở mức 42%, tương đương 40 năm đóng góp nêu trên.

"Do áp lực của già hóa dân số, số người đóng góp vào sẽ giảm đi và ngược lại số người thụ hưởng tăng lên, gia tăng áp lực cho quỹ", ông Giang cho hay.

Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội cũng cho biết, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo trong năm 2025, cứ 6 người trong độ tuổi lao động (15-59 tuổi) thì chỉ có 1 người ngoài tuổi lao động. Song đến năm 2055, 2 người trong độ tuổi lao động phải hỗ trợ 1 người ngoài tuổi lao động.

"Đến 2055, để duy trì mức hưởng như hiện nay thì chỉ có 2 cách: Con cháu phải đóng bảo hiểm xã hội với mức gấp 3 lần hiện nay; cải cách để nhóm này có mức hưởng phù hợp, giảm gánh nặng thế hệ tương lai", vị này cho hay.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.

Từ năm 1995 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã tiến hành 24 lần điều chỉnh lương hưu. Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương của người nghỉ hưu hiện nay đã tăng từ 21 đến 26 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 1995.

Lần gần nhất là đợt tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024 theo Nghị định 75/2024/NĐ-CP, lương hưu được điều chỉnh tăng thêm 15%. Riêng nhóm lao động nghỉ hưu trước năm 1995, sau khi tăng 15% mà mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm một lần nữa.

Cụ thể, tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3,2 triệu đồng/người/tháng; tăng lên bằng 3,5 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/người/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/người/tháng.



Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/luong-huu-binh-quan-62-trieu-dongthang-la-cao-hay-thap-20250208093943456.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available