Quê tôi có câu chuyện vui khá nhiều người biết. Một lãnh đạo cấp cao về thăm và hỏi “Nghệ An có đặc sản gì nổi bật?”, lãnh đạo địa phương đã trả lời hóm hỉnh: “Báo cáo, có hai đặc sản nức tiếng gần xa là bóng đá và cháo lươn ạ!”.
Vâng, đến Nghệ An hay nói về Nghệ An những năm gần đây, mà không nói về bóng đá hay cháo lươn/lươn cháo thì quả là… chưa đến, hay chưa biết về miền đất nắng nóng gió Lào này. Bài viết nhỏ này xin dành cho chuyện nuôi bắt, chế biến và món cháo/súp lươn đồng Nghệ An cùng “’âm vang” của món đặc sản mà nhiều người từng biết, từng thưởng thức một lần rồi mong có lần tiếp, tiếp theo…
Trước hết, con lươn đồng vốn có ở hầu hết các vùng quê đây đó. Ở Nghệ An, vùng đồng chiêm trũng/vựa lúa Yên Thành là “thủ phủ lươn đồng” bởi đồng đất sâu trũng nơi đây rất phù hợp với quá trình sinh sản và phát triển của loài lươn cũng như nhiều loài cá đồng khác.
Một đồng nghiệp của chúng tôi ở Nghệ An vốn là phóng viên theo dõi mảng nông nghiệp, quen thuộc mọi đường đi lối lại, các con số, chỉ số ở huyện lúa từng “khoe” rằng, Yên Thành cứ mưa 200mm là ngập lụt ít nhất 400/12.500ha diện tích lúa.
Để thấy, nơi này là vùng trũng, vùng rốn nước, có nhiều bất lợi cho sản xuất và đời sống nhưng cũng có vô vàn thuận lợi, nếu biết cách chế ngự và khai thác tự nhiên. Chuyện con lươn đồng ở Yên Thành nói lên cụ thể điều đó.
Trải qua nhiều năm tháng lăn lộn, mày mò, học hỏi, người dân Yên Thành tự hình thành nên 3 cách bắt lươn đồng phổ biến, tuyệt nhiên không phải cách “tát cạn, bới bùn để bắt kiệt” rất tốn sức và không hiệu quả như ở nhiều nơi. Đó là độc chiêu tìm “mà” lươn dọc theo bờ ruộng lúa, ao đầm rồi khéo léo lần tìm, túm được đầu lươn cho nhanh vào giỏ.
Đó là câu lươn bằng lưỡi mồi như câu cá, búng nước gọi lươn hoặc đặt mồi ngay trước “mà” chờ lươn ăn mồi rồi giật nhanh như giật cá. Cách thứ 3 phổ biến nhất là đặt trúm với mồi hàng đêm, sáng ra thu trúm…
Theo kinh nghiệm của nhiều “chuyên gia” lươn, cứ đầu tháng 2, đầu tháng 7 hàng năm là mùa sinh sản và phát triển của con lươn đồng. Thời điểm đó, lươn tìm vào bờ để tìm lỗ đẻ trứng và nở con. Thời điểm con lươn béo nhất là cuối tháng 3, đầu tháng 4, hoặc cuối tháng 8 đến tháng 9, khi cây lúa xuân hay lúa hè thu trổ bông, làm đòng.
Câu chuyện đáng nói ở chỗ là ở Yên Thành lâu nay, nghề bắt lươn đồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đang là nghề hot của bà con nông dân, nhất là ở “thủ phủ” Long Thành. Bà con đã biết cách thu mua lươn đồng ở trong làng, trong xã, rồi lan ra các xã bạn, huyện bạn, biết cách chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho mọi nhu cầu trong và ngoài tỉnh, kể cả xuất khẩu.
Ở Long Thành, lúc đầu chỉ vài hộ làm nghề thu mua lươn đồng ở xóm Nam Sơn, nay có thêm nhiều hộ ở các xóm Bắc Sơn, Đông Sơn và Phan Thanh tham gia, đưa số lao động làm nghề lươn lên tới 300 người với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/tháng. Tính ra, riêng Long Thành hàng năm chế biến và tiêu thụ lên tới 1.000 tấn lươn đồng thành phẩm.
Nếu Yên Thành là “thủ phủ lươn đồng” nức tiếng thì TP Vinh là “thủ phủ cháo lươn/lươn cháo” thu hút đông đảo thực khách trong và ngoài tỉnh. Không cứ gì du khách gần xa mà ngay cả người Nghệ xa quê, mỗi lần về quê, về Vinh đều rất khó bỏ qua món “lươn cháo” (nhiều lươn, ít cháo) ở quán Bà Lan, phường Cửa Nam đoạn từ Vinh đi Nam Đàn, quán Bà Võ ở “phố cháo lươn” Hồ Sỹ Dương, phường Hưng Bình hay quán Bà Ngọ cũng ở phường Hưng Bình…
Những quán lá đơn sơ này không cần một lời quảng cáo nào cũng nhộn nhịp thực khách mỗi sớm, mỗi chiều. Thưởng thức một lần rồi nhớ mãi, cứ muốn quay trở lại. Chưa kể gần đây có thêm dịch vụ mua về, gửi đi xa, miễn là thực khách có nhu cầu.
Rồi không chỉ ở Vinh mà nhiều tỉnh, thành mở quán “Lươn đồng Nghệ An”. Ra Hà Nội hay vào TP Hồ Chí Minh, muốn có món cháo lươn, súp lươn Nghệ, chỉ cần một cú điện thoại là nhà hàng giao đến tận tay, chất lượng chính hiệu không chê vào đâu được.
Gần đây, có người Nghệ An còn chế biến các món ăn liền từ lươn, không chỉ có mặt ở các kệ hàng siêu thị trong nước mà còn xuất khẩu tới các nước Australia, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đó là sức hấp dẫn, sự lan tỏa của một món ăn không chỉ khoái khẩu mà còn là một vị thuốc quý.
Theo Đông y, lươn vị ngọt, có tác dụng bổ dưỡng khí huyết, ôn dương, ích tỳ, bồi bổ can thận, làm mạnh gân cốt, khử phong thấp, thông kinh mạch… được dùng để chữa các chứng lao lực, ho hen, tiêu khát gân xương đau nhức, cơ thể suy nhược.
Nguyên liệu lươn đồng Yên Thành, dưới bàn tay chế biến của nhà hàng Vinh thành cháo lươn, súp lươn ăn kèm bánh mỳ, bánh mướt/bánh cuốn…, từng được công ty Great Big Story thuộc hãng truyền hình CNN tận nước Mỹ xa xôi biết đến và xếp vào 7 món ăn sáng độc đáo trên toàn thế giới, sánh cùng bánh mỳ ngọt Mandazi của Kenya, món Kuymax (làm từ kem và bột ngô vàng) của Thổ Nhĩ Kỳ, cá da trơn ăn kèm súp ngô của Mỹ, món bánh Patra của Ấn Độ, bánh Za’aTar của Lebanon, món bún cá Mohinga của Myanmar…
Vậy là chẳng phải bỏ tiền tỷ để quảng cáo vẫn được lên sóng tới 1’48” trên CNN thông qua chương trình trải nghiệm của một nhân vật, cũng chưa có vinh dự được các nguyên thủ nước bạn ghé thăm để càng nức tiếng gần xa như món bún chả Obama ở Hà Nội, nhưng chắc chắn đặc sản lươn đồng Nghệ An vẫn làm “nhức mũi” thực khách, có sức thu hút lạ thường nhờ hương vị đặc biệt đồng quê và quyến rũ riêng có.
Quả vậy, món lươn đồng Nghệ An không chỉ là câu chuyện vui đâu đó mà đang là một “thương hiệu mạnh” của một món ăn ngon, bổ dưỡng, nức tiếng trong nước và lan dần ra… thế giới.