Mong chờ điện mặt trời mái nhà có thể phát triển nhanh ở miền Bắc, bổ sung nguồn cấp điện tại chỗ trong mùa nắng nóng năm 2024 không biết bao giờ mới thành hiện thực, vì cơ chế chưa biết khi nào có.
Cần có cơ chế khuyến khích phát triển nhanh điện mặt trời mái nhà tại khu vực đang thiếu nguồn cung như miền Bắc |
Mua 0 đồng: Vô lý về mặt thị trường
Theo Dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà của Bộ Công thương, loại hình điện mặt trời mái nhà không nối lưới quốc gia sẽ được phát triển không giới hạn. Trường hợp có nối lưới quốc gia, người dân được quyền phát hoặc không phát sản lượng dư vào hệ thống, nhưng thanh toán 0 đồng. Tổng công suất theo hình thức này không vượt quá công suất được phân bổ trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII (2.600 MW).
Dự thảo đưa ra một số ưu đãi, như được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; không phải thực hiện điều chỉnh bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định pháp luật, hay được giải quyết các hồ sơ, thủ tục theo cơ chế một cửa liên thông. Ngoài ra, cũng có yêu cầu điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất đặt từ 500 kWp trở lên phải có hệ thống điều khiển từ xa và kết nối với đơn vị điều độ khu vực, hay tổng công suất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không gây quá tải lưới điện khu vực.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đây là giải pháp “chống phát ngược” năng lượng lên lưới điện quốc gia, nhằm bảo đảm ngăn chặn hiện tượng trục lợi chính sách. Tuy nhiên, dưới góc độ của những người có kinh nghiệm vận hành hệ thống điện, điện mặt trời mái nhà cần phải rành mạch và cụ thể hơn để không lãng phí khi có những nơi như miền Bắc không dễ dàng có thêm các nguồn điện mới trong thời gian ngắn, mà lại đang phải đối mặt với nhu cầu tiêu thụ tăng rất mạnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông T.T., chuyên gia hệ thống điện cho rằng, nên quy định luôn là điện mặt trời mái nhà không được bán điện lên lưới (zero export) khi không có yêu cầu từ cơ quan điều độ hệ thống điện khu vực, bởi những lo ngại về điện mặt trời mái nhà có thể gây ra quá tải cho lưới điện, thì việc quy định giá bán 0 đồng không giải quyết được.
Hơn nữa, việc quy định giá bán 0 đồng ở một phương diện nào đó mang tính cửa quyền và phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đồng thời, quy định vậy sẽ dẫn đến việc không tận dụng được nguồn điện mặt trời mái nhà này khi hệ thống khan nguồn cung. Bởi vậy, nên cho phép họ bán điện với giá thị trường được tính theo cách nào đó và đơn vị điều độ sẽ huy động khi cần.
Một chuyên gia khác có kinh nghiệm về điều hành ngành điện cũng cho hay, nếu lo ngại điện mặt trời mái nhà gây ra quá tải lưới điện, thì nên quy định là, mỗi khách hàng được bán lên lưới không quá bao nhiêu phần trăm so với mức mỗi khách hàng mua vào. “Tỷ lệ cụ thể này là bao nhiêu thì cần được người quản lý hệ thống tính toán, còn theo tôi nên ở mức 20-30% là vừa”, chuyên gia này nói.
Vị này cũng cho hay, nói cho mua 0 đồng tức là về vấn đề kỹ thuật phát điện lên thì không sao cả, nhưng vô lý về mặt thị trường. “Zero export hay giá 0 đồng về bản chất là ‘ngăn sông cấm chợ’. Như vậy, chỉ nên tạm thời áp dụng ở những khu vực mà điện mặt trời đã lỡ đầu tư quá nhiều so với cơ cấu hợp lý của nguồn không điều khiển được trong hệ thống điện. Đây chính là để làm nản lòng những người cố tình muốn lắp khi mà hệ thống lúc này chưa cần”, các chuyên gia nói.
Không lợi sẽ chẳng ai làm
Nếu lắp zero export như quy định của Dự thảo hiện nay, thì nhiều chủ đầu tư sẽ không làm vì không có lợi gì. Theo đó, với những gia đình còn đi làm, đi học, ban ngày điện mặt trời mái nhà có sản xuất ra cũng không sử dụng được, mà thừa cũng không bán được cho ngành điện (vì giá mua 0 đồng), trong khi tối về vẫn phải mua điện của EVN để dùng, nên không có lợi để lắp. Nhưng như vậy ngành điện lại không tận dụng được lợi thế của mái nhà tại những khu vực thiếu nguồn như miền Bắc.
Trong thực tế, do trước đây quy định điện mặt trời mái nhà được phép tới 1 MW và có chuyện lách luật rất nhiều, nên các hệ thống này đã đấu nối vào lưới trung thế. Trong khi đó, không có quy định buộc phải trang bị thiết bị đóng cắt điều khiển từ xa, dẫn tới tình trạng các công ty điện lực phải cử người đến tận nơi cắt điện khi không cần.
Rút kinh nghiệm từ quá khứ, các chuyên gia am hiểu vận hành hệ thống cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước phải quy định điện mặt trời mái nhà chỉ được làm ở lưới điện hạ áp, công suất nhỏ thì mới đúng nghĩa. Lưới hạ áp này chủ yếu dùng cầu dao hoặc aptomat, nên người quản lý hệ thống điều khiển không điều khiển được và cơ quan điều độ khu vực cũng như các công ty điện lực cũng không hơi đâu mà điều khiển lưới này. Vì vậy, không cần yêu cầu điện mặt trời mái nhà trang bị thiết bị đóng cắt điều khiển từ xa như Dự thảo đang đưa ra.
Với thực tế hiếm có nước nào mà điện mặt trời mái nhà không nối lưới (trừ khi dùng hệ thống riêng như ở Côn Đảo), đồng thời khi nối lưới hay bám lưới, thì các vấn đề về mặt kỹ thuật, như hòa đồng bộ tần số, điện áp và thứ tự pha, phải được quan tâm nhiều vì tính ổn định của hệ thống, nên các cơ chế cho điện mặt trời mái nhà đang xây dựng hiện nay cần phải rất thực tế, chi tiết cả về mặt kinh tế lẫn kỹ thuật, để tránh tình trạng đưa ra quy định rồi không thể thực hiện được, mà sửa đổi sẽ không nhanh.
Tuy nhiên, ở miền Bắc, lại cần khuyến khích phát triển nhanh bởi khu vực này đang thiếu nguồn cung. Khi có điện mặt trời mái nhà, các nhà máy thủy điện ở miền Bắc sẽ có vai trò như pin tích trữ.
Ban ngày điện mặt trời phát, thì thủy điện giảm chạy để giữ nước và khi mặt trời tắt thì thủy điện phát.
Nguồn: https://baodautu.vn/lung-tung-phat-trien-dien-mat-troi-mai-nha-d215104.html