Mùa đẹp nhất để trekking Lùng Cúng là từ cuối tháng 10 đến hết tháng 12. Tôi chọn ngày trời khô và se lạnh, giữa tháng 11 cũng là lúc những cây phong cổ thụ trên đỉnh Lùng Cúng thay lá, khoác tấm áo rực rỡ sắc màu lên núi rừng.
Chuyến xe khách đưa tôi đến thị trấn Tú Lệ, gặp porter bản địa đảm nhiệm vai trò dẫn đường và mang đồ ăn cho cả đội leo núi. Từ đây chúng tôi đi xe ôm vào bản Tu San, cách trung tâm Tú Lệ khoảng 15km, đường rất xấu và nhiều sỏi đá, di chuyển vào sâu mất khoảng 1h30.
Đây chỉ là chặng đầu tiên của hành trình cảm xúc với những con dốc cao dựng đứng chông chênh bên mép vực. Tôi gần như phải bám chặt và gồng cứng để níu lấy người lái xe phía trước mỗi lần lên, xuống dốc.
Xe ôm đưa chúng tôi đến bìa rừng, đây là nơi bắt đầu hành trình leo núi qua những quả đồi dốc thoải trồng táo mèo. Vượt qua dãy đồi thấp này là bước vào một không gian hoàn toàn khác. Khu rừng bỗng dưng mát rượi dưới tán của những cây dẻ, sồi cổ thụ rợp bóng.
Men theo những lối mòn được người Mông khai mở, chúng tôi đến thác Hấu Chua La, cũng là điểm dừng nghỉ ăn trưa của các đoàn leo núi. Theo tiếng người Mông: Hấu Chua là vách đá, La là con khỉ – nơi đây trước kia là địa bàn sinh sống của đàn khỉ hoang dã.
Bước chân vào rừng với một tâm trí rộng mở, tôi thực sự ngắt kết nối với thế giới bên ngoài, cảm nhận ánh nắng nhảy múa trên tán lá, lắng nghe tiếng suối róc rách dưới thung, ngắm những chiếc lá phong bay dưới ánh chiều tà, vài bông hoa lạ nhỏ xinh bên con dốc vắng. Đó đều là những khoảnh khắc không thể nào quên trong trái tim người bộ hành.
Sương mù khá nhiều nên tầm nhìn hạn chế, bù lại khi lên cao, tôi đã gặp biển mây tuyệt đẹp. Băng qua khu rừng tre và phong cổ thụ là đến bên sườn núi thoáng đãng mọc nhiều đỗ quyên lùn và cúc dại. Tầm nhìn rộng mở có thể thấy cả khu vực xã Nậm Có bên dưới và bao quát những đỉnh núi cao xung quanh. Say sưa ghi lại thiên nhiên cùng biển mây, tôi chạm đỉnh Lùng Cúng lúc 9h sáng.