Bản Lũng Cà nằm giữa thung lũng, được bao quanh bởi núi Bo Bún và Co Đông, quanh năm lảng bảng mây trắng. Nơi này từng là một trong những “vùng lõm” của địa phương về phát triển kinh tế – xã hội.
Còn nhớ đầu năm 2015, chúng tôi có chuyến đi thiện nguyện đến Bản Lũng Cà. Ngày ấy, bản có 33 hộ dân, trong đó có 21 hộ đồng bào dân tộc Mông, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn khi thiếu điện, thiếu nước. Cả bản có tới 50% hộ thuộc diện hộ nghèo. Đặc biệt giao thông đi lại của bà con trong bản gặp nhiều trở ngại do đèo cao, trơn trượt vào mùa mưa, bụi bặm khi trời nắng. Với những người không quen địa hình ở đây khó có thể đi lại trên tuyến đường này. Đêm đông miền núi ập xuống trong chớp mắt. Cứ khoảng 6 giờ chiều là bóng tối đã bao trùm, trong mỗi căn nhà chỉ có ánh sáng vàng của ngọn đèn dầu le lói.
Nay trở lại Lũng Cà, vẫn cung đường cũ, vượt qua cổng trời Lũng Luông, nhưng cảm nhận Lũng Cà đẹp hơn rất nhiều. Bởi điều chúng tôi nhìn thấy là những nếp nhà sàn khang trang, là những con đường bê tông, rải cấp phối đi lại rất dễ dàng, là những ruộng rau, nương ngô đang dịp thu hoạch với những bắp nẩy hạt vàng ruộm…
Trên đường vào bản, gặp người phụ nữ ở nương ngô, chúng tôi hỏi đường đến nhà Trưởng bản Lũng Cà Ma Hành Du. Chị tận tình chỉ dẫn đường cho chúng tôi. Qua trò chuyện, chị cũng tự giới thiệu tên là Nông Thị Thông. Hôm nay chị đang thu dọn nương chuẩn bị cho vụ mới. Chị còn khoe, vụ ngô vừa rồi thu được hơn 100 bao bắp. Giống ngô mới nên hạt nào hạt nấy chắc mẩy, màu vàng bóng. Số ngô này chị dành một phần để chăn nuôi 4 con bò, một phần bán bớt cho thương lái. Giờ giá ngô là 7-8 nghìn đồng/kg nên cũng thu được một khoản kha khá.
Chúng tôi vừa đi vừa hít hà không khí trong veo của thung lũng, thoáng chút đã đến nhà Trưởng bản. Đã hẹn trước nên Trưởng bản Ma Hành Du đã biết được chuyến đến thăm của chúng tôi nên ông vào chuyện rất nhanh. Ông nói, trước kia các anh đến rồi thì biết. Do nằm giữa các dãy núi cao nên giao thông đi lại rất khó khăn, ngày mưa, nước ào ào chảy từ trên đỉnh dốc xuống, chẳng ai có thể đi lại được, cả bản gần như tách biệt với bên ngoài. Ngày đó, cả bản hầu như toàn hộ nghèo và cận nghèo.
Sự đổi khác chỉ đến khi Nhà nước đầu tư tuyến đường bê tông từ đường trục chính của xã Thượng Nung đi qua xóm Lũng Luông rồi đến Lũng Cà. Sau đó, bản tiếp tục được đầu tư đường điện, công trình nước sạch tập trung… Có đường giao thông kiên cố, việc sản xuất và giao thương cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Mừng nhất là nông sản của người dân làm ra được thương lái tìm về thu mua dễ dàng, không còn cảnh bị ép giá như trước.
Đặc biệt, để giúp người dân sinh kế, thoát nghèo bền vững, nhiều hộ được Nhà nước hỗ trợ bò để nuôi vỗ béo hoặc sinh sản, hỗ trợ giống cỏ. Một số hộ khác thì được hỗ trợ phân bón, giống ngô, lúa vào gieo cấy cho năng suất, chất lượng cao hơn… Đồng thời, được cán bộ địa phương “cầm tay chỉ việc” về kiến thức chăn nuôi, thú y, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, số hộ nghèo trong bản vươn lên với các mô hình kinh tế hiệu quả, có của ăn của để cũng ngày một nhiều lên.
Trở lại Lũng Cà, vẫn cung đường cũ, vượt qua cổng trời Lũng Luông, nhưng cảm nhận Lũng Cà đẹp hơn rất nhiều. Bởi điều chúng tôi nhìn thấy là những nếp nhà sàn khang trang, là những con đường bê tông, rải cấp phối đi lại rất dễ dàng…
Ông Trương Văn Páo, một hộ vừa thoát nghèo cho hay: “Ngày trước, giống lúa cũ thì mỗi sào được 3 bao thóc thôi, giống lúa mới thì được 4,5-5 bao/sào. Còn giống ngô lai NK4300 mới cũng cho năng suất gấp đôi, được 15 bao bắp/1kg giống, thay vì 6-7 bao như trước kia. Được cán bộ hướng dẫn nên gia đình đã biết luân canh mùa vụ, bón phân để nuôi đất thay vì làm ăn thuận theo tự nhiên như trước, nhờ thế mà kinh tế đã dần khá hơn”…
Theo lời Trưởng bản Ma Hành Du, dù cuộc sống người dân còn khó khăn, nhưng phấn khởi nhất là bà con đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Thay vì chỉ làm ăn quanh bản như trước, giờ nhiều người đã mạnh dạn đăng ký đi làm công ty và có thu nhập khá. Nhờ đó mà hộ nghèo hằng năm đều giảm. Bản Lũng Cà với 270 nhân khẩu trước đây toàn bộ là hộ nghèo thì giờ đã giảm còn 22 hộ nghèo. Mấy hộ nghèo, cận nghèo cuộc sống cũng khấm khá hơn trước, không còn hộ đói. Cả bản có 115 con bò, 45 con trâu, hơn 100 con lợn, gà thì mỗi nhà có 10-30 con. Nhiều hộ cũng đã sắm được ti vi, tủ lạnh và các đồ gia dụng thiết yếu.
Trước kia nhiều hộ không muốn thoát nghèo, nhưng mấy năm gần đây, bà con đã có nhận thức hơn, nhiều hộ còn đăng ký phấn đấu thoát nghèo… Đây chính là tiền đề quan trọng để bản Lũng Cà phát triển vươn lên.