Ông Ahmed al-Sharaa, thủ lĩnh của nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu lực lượng lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad hôm 8.12 vừa ra tuyên bố mới.
Trong một cuộc họp với các thành viên của cộng đồng Druze ở Syria, ông al-Sharaa tuyên bố tất cả các phe phái đối lập sẽ “bị giải tán và các thành viên sẽ được đào tạo để gia nhập bộ quốc phòng”, theo tờ The Telegraph hôm nay 17.12.
“Tất cả sẽ phải tuân theo luật pháp”, ông al-Sharaa nói thêm, theo các bài đăng trên kênh Telegram của HTS. Ông cũng nhấn mạnh cần phải đoàn kết trong một quốc gia đa sắc tộc và đa tôn giáo.
“Syria phải duy trì sự thống nhất. Phải có một khế ước xã hội giữa nhà nước và tất cả các tôn giáo để đảm bảo công lý xã hội”, ông al-Sharaa nhấn mạnh.
Ông al-Sharaa, hiện được xem là lãnh đạo trên thực tế của Syria, đưa ra tuyên bố trên trong lúc ông tìm cách trấn an các nhóm thiểu số trong và ngoài nước rằng các nhà lãnh đạo lâm thời của nước này sẽ bảo vệ tất cả người dân Syria, cũng như các thể chế nhà nước.
Sự tan rã của quân đội Syria qua lời kể của người lính đào ngũ
Trong một cuộc họp riêng với một phái đoàn Anh, ông al-Sharaa nói rằng các lệnh cấm vận quốc tế đối với Damascus phải được dỡ bỏ nếu những người tị nạn phải di dời vì chiến tranh muốn trở về.
Ông al-Sharaa đã nói “về tầm quan trọng của việc khôi phục quan hệ” với Anh và nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc chấm dứt mọi lệnh trừng phạt áp đặt đối với Syria để những người Syria phải di dời … có thể trở về đất nước của họ”.
Sau khi chính quyền al-Assad sụp đổ hôm 8.12, các nước châu Âu như Anh, Đức, Pháp, Ý, Thụy Điển và Na Uy cùng một số nước khác cho hay họ đang tạm dừng việc xử lý đơn xin tị nạn từ người Syria, dù không rõ ràng về những gì sắp xảy ra với đất nước này.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các lệnh trừng phạt rộng rãi đối với chính quyền al-Assad, bao gồm lệnh cấm bán vũ khí cho Syria và nhập khẩu dầu từ Syria cũng như lệnh cấm đầu tư vào ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này.
Các lệnh trừng phạt đã góp phần làm tê liệt nền kinh tế của quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này; lạm phát phi mã đang hoành hành và ít nhất 70% dân số sống trong cảnh nghèo đói, theo The Telegraph.
Sự sụp đổ của chính quyền al-Assad đã khiến các nước phương Tây rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về cách đối phó với HTS, vốn có nguồn gốc từ mạng lưới al-Qaeda.
HTS khẳng định đã từ bỏ chủ nghĩa thánh chiến nhưng vẫn bị Liên Hiệp Quốc và một số nước phương Tây, trong đó có Mỹ và Anh, cáo buộc vi phạm nhân quyền và vẫn bị Liên Hiệp Quốc, Mỹ và Anh coi là một nhóm khủng bố.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại mới của EU là bà Kaja Kallas hôm 16.12 nói rằng khối này nên sẵn sàng nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Syria nếu giới lãnh đạo mới của Syria thực hiện “các bước tích cực” để thành lập một chính phủ toàn diện và tôn trọng quyền của phụ nữ và các nhóm thiểu số.
“Chúng tôi muốn không thấy chủ nghĩa cực đoan, không cực đoan hóa”, bà Kallas nhấn mạnh, đồng thời nói thêm rằng HTS “nói đúng” cho đến nay nhưng nhóm này sẽ bị phán xét dựa trên hành động của họ. Bà Kallas cho biết thêm bà đã cử một nhà ngoại giao cấp cao đến gặp các quan chức thuộc HTS.
Nguồn: https://thanhnien.vn/luc-luong-nam-quyen-muon-giai-tan-moi-nhom-vu-trang-o-syria-185241217143943855.htm