Hải quân Mỹ vừa thu hẹp sự hiện diện của lực lượng “siêu tàu sân bay” chạy bằng năng lượng hạt nhân tại Trung Đông, với việc USS Roosevelt trở về nhà, để lại một mình USS Abraham Lincoln ở Vịnh Oman.
Động thái trên diễn ra sau khi các nhà phân tích quốc phòng nêu lên mối lo ngại rằng Hải quân Mỹ đang phải vật lộn để duy trì cường thế hải quân ở cả Thái Bình Dương và Trung Đông. Họ lập luận rằng một cuộc khủng hoảng khu vực liên quan đến nhiều điểm nóng ở: Gaza, Biển Đỏ, Israel và Lebanon, và Iran đã khiến lực lượng tàu sân bay của Mỹ bị kéo căng.
Washington bắt đầu tăng cường lực lượng trong khu vực từ hồi tháng 8, triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay Lincoln trong nỗ lực ngăn Iran thực hiện một cuộc tấn công trực diện vào Israel để trả đũa cho vụ ám sát nhà lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran.
Một cuộc tấn công trước đó của Iran vào Israel hồi tháng 4 – để trả đũa vụ đánh bom Đại sứ quán Iran tại Damascus – chứng kiến hàng trăm tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay không người lái được triển khai cùng lúc. Lực lượng không quân và hải quân của Mỹ, Anh và Pháp, phối hợp với máy bay phản lực và phòng thủ tên lửa của Israel, đã bắn hạ hơn 90% số tên lửa và máy bay không người lái đó.
Nhưng các chuyên gia cho rằng, chính các nhóm tác chiến tàu sân bay – một đội hình tác chiến có sự hỗ trợ của các khu trục hạm và có khả năng thực hiện tới 200 cuộc không kích mỗi ngày và bắn hàng trăm tên lửa hành trình – là lực lượng tối ưu để răn đe.
Khi tàu Lincoln được triển khai, Mỹ tuyên bố sự hiện diện của 2 chiếc hàng không mẫu hạm có thể khiến Iran phải suy nghĩ thật kỹ cách trả đũa vụ ám sát ông Haniyeh mà Iran đổ lỗi cho Israel trong khi Israel không phủ nhận cũng không xác nhận.
“Chúng tôi đã chuyển các năng lực của mình vào khu vực mà tôi nghĩ là có thể nói là đã xâm nhập vào không gian của Iran và sẽ ảnh hưởng đến tính toán của họ về cách thức và liệu họ có chọn cách phản ứng hay không”, Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết vào tháng trước.
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng mặc dù Mỹ đã triển khai 2 nhóm tác chiến tàu sân bay trong nhiệm vụ răn đe này, nhưng không có nhóm nào ở Biển Đỏ. Tại đó, lực lượng hải quân “xứ cờ hoa” đã chiến đấu với lực lượng dân quân Houthi do Iran hậu thuẫn.
Houthi đang khiến hoạt động qua tuyến hàng hải quan trọng này bị đình trệ. Khoảng 30% lượng hàng hóa vận chuyển bằng container toàn cầu đi qua Biển Đỏ và lưu lượng đã giảm khoảng 60% kể từ khi họ bắt đầu tấn công các tàu qua lại trong khu vực vào tháng 11 năm ngoái.
Trước đó, vào tháng 10 năm ngoái, khi xung đột Israel-Hamas tái bùng phát ở Dải Gaza, một đô đốc Hải quân Mỹ đã cho biết rằng các tàu của Mỹ sẽ “hỗ trợ việc điều hướng an toàn và đảm bảo dòng chảy thương mại tự do”.
Tháng trước, thư ký báo chí của Lầu Năm Góc, Tướng Patrick Ryder, đã phủ nhận có “khoảng trống về tàu sân bay”, khẳng định Mỹ “có khả năng tăng cường lực lượng và năng lực đến nơi chúng tôi cần và vào khi chúng tôi muốn”.
Theo truyền thống, Hải quân Mỹ đã cố gắng duy trì sự hiện diện của một trong những tàu sân bay của mình – nặng khoảng 100.000 tấn và có thể mang theo70-90 máy bay tấn công và trinh sát – ở Trung Đông. Trong thời kỳ khủng hoảng, chẳng hạn như Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất chống lại Iraq vào năm 1990-1991, con số đó đã tăng lên tới 7 chiếc, mặc dù một số tàu trong số đó không chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Washington đã duy trì một số lượng tàu sân bay nhất định trong nhiều năm để tuân thủ quy tắc quy định rõ rằng Hải quân Mỹ sẽ có “không dưới 11 tàu sân bay đang hoạt động”.
Khoảng 4 tàu được giữ trên biển tại một thời điểm nhất định, do yêu cầu bảo dưỡng lớn. Tất cả trừ một tàu hiện đang phục vụ đều là tàu sân bay lớp Nimitz đã cũ, đang dần được thay thế bằng tàu lớp Ford hiện đại hơn. Một trong số này đang hoạt động, phần còn lại sẽ được chuyển giao đến giữa những năm 2030.
Minh Đức (Theo National News)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/luc-luong-bi-keo-cang-my-thu-hep-hien-dien-tau-san-bay-o-trung-dong-204240912204527764.htm