Karabakh, một khu vực đồi núi tại vùng Nam Caucasus, được quốc tế công nhận là lãnh thổ Azerbaijan. Tuy nhiên, một phần khu vực này được điều hành bởi chính quyền ly khai của Armenia với các khẳng định khu vực này là quê nhà của họ.
Kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991 tới nay, Karabakh trở thành tâm điểm của hai cuộc chiến, trong đó có một cuộc chiến nổ ra trong năm 2020. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi Azerbaijan ngừng ngay hoạt động của mình và khẳng định chiến dịch này chỉ làm tồi tệ hơn tình hình hỗ trợ nhân đạo tại Karabakh – ám chỉ lệnh phong tỏa vùng này từ chính quyền Baku.
Liên minh Châu Âu, Pháp và Đức đã lên án hành động quân sự của Azerbaijan, kêu gọi nước này trở lại bàn đàm phán về tương lai Karabakh với Armenia.
Các đoạn video đăng tải trên mạng xã hội hôm thứ Ba tại Stepanakert, trung tâm Karabakh (khu vực mà Azerbaijan gọi dưới tên Khankendi) cho thấy có thể nghe được nhiều tiếng nã pháo.
Hikmet Hajiyev, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết, Baku đã điều động lực lượng trên bộ. Ông cũng cho biết thêm, lực lượng này đã vượt qua một số hàng phòng thủ của Armenia tại nhiều nơi và đã đạt được một số mục tiêu chính, mặc dù lực lượng Armenia đã bác bỏ các khẳng định này.
Bộ quốc phòng của chính quyền Baku cho biết, lực lượng Azerbaijan đã chiếm 60 vị trí quân sự và phá hủy 20 phương tiện quân sự cùng các khí tài khác.
Chính quyền ly khai Karabakh cho biết, 25 người đã thiệt mạng, bao gồm 2 dân thường và 138 người khác bị thương sau khi Baku tấn công. Người dân tại một số làng đã được sơ tán.
Reuters chưa thể xác minh khẳng định của cả hai bên.
Hiện, vẫn chưa rõ khả năng hành động của Baku có thể dẫn tới xung đột toàn diện với Armenia. Tuy nhiên, hiện tại, có nhiều tín hiệu về ảnh hưởng mang tính chính trị từ hoạt động này tại Yerevan, trong đó Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan – một người bị coi là quá thân phương Tây bởi chính phủ Nga – đã nhắc tới một số vụ kêu gọi đảo chính chống lại ông.
Một số người Armenia đã tụ tập tại Yerevan, thủ đô Armenia, nhằm kêu gọi hành động từ phía chính phủ cùng với hàng loạt vụ va chạm xảy ra giữa cảnh sát và đám đông dẫn tới nhiều người bị thương từ cả hai phía.
Chiến trận tại Karabakh có thể ảnh hưởng tới cân bằng địa chính trị tại Nam Caucasus, với nhiều đường ống dẫn dầu và khí gas đan xen nhau, nơi Nga – một quốc gia đang tập trung hơn vào tình hình tại Ukraine – mong muốn giữ vững tầm ảnh hưởng của mình tại khu vực này trước Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia hậu thuẫn Azerbaijan.
“Khép lại một chương sử”
Ông Hajiyev cho biết, quân đội nước này đã sử dụng vũ khí dẫn đường tấn công các mục tiêu quân sự, nhằm tránh gây ra thương vong ngoài mong muốn cho dân thường.
Ông cho biết: “Mục tiêu của Azerbaijan là nhằm khép lại một chương sử đầy thù địch và đối đầu giữa hai nước”.
“Chúng tôi đã chịu đựng quá đủ rồi. Chúng tôi không thể chấp nhận được việc có một lực lượng vũ trang chiếm đóng lãnh thổ nước mình và một thể chế thách thức an ninh, chủ quyền của Azerbaijan mỗi ngày”.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan trong một phát biểu đã tuyên bố về ý định sẽ “giải giáp và đảm bảo lực lượng vũ trang Armenia sẽ rút khỏi lãnh thổ nước này, vô hiệu hóa các cơ sở hạ tầng quân sự của họ”.
Bộ này khẳng định đã hành động nhằm “khôi phục trật tự hiến pháp của Cộng hòa Azerbaijan” và dân thường hoàn toàn có thể rời khỏi khu vực thông qua các hành lang nhân đạo, bao gồm cả những hành lang cho phép họ trở lại Armenia.
Ông Nikol Pashinyan, Thủ tướng Armenia bình luận, khẳng định này là nỗ lực khiến người Armenia ra khỏi Karabakh và là một chiến dịch “thanh trừng sắc tộc”. Tuy nhiên, chính quyền Baku bác bỏ cáo buộc này.
Armenia, quốc gia đã tổ chức đàm phán hòa bình với Azerbaijan, bao gồm xoay quanh các vấn đề về tương lai của Karabakh, đã lên án “hành vi gây hấn toàn diện” của Baku tại Karabakh và cáo buộc Azerbaijan đã nã pháo vào nhiều thị trấn, làng mạc.
Kêu gọi giúp đỡ
Armenia khẳng định, lực lượng vũ trang nước này không hề có mặt tại Karabakh và tình hình tại biên giới của Armenia với Azerbaijan hiện vẫn ổn định, và đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giúp đỡ cũng như kêu gọi lực lượng bảo vệ hòa bình của Nga tại vùng này can thiệp.
Sau khi đứng ra trung gian một thỏa thuận ngừng bắn vào năm 2020 sau khi Azerbaijan chiếm lại vùng lãnh thổ lớn xung quanh Karabakh mà nước này đã bị mất vào tay Armenia trong cuộc xung đột năm 1990, Nga kêu gọi các bên ngừng chiến.
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, chính phủ Nga giữ liên lạc với Azerbaijan và Armenia, đồng thời hối thúc hai nước ngồi vào bàn đàm phán. Ông cũng cho biết, Moscow coi việc đảm bảo an toàn cho người dân là vấn đề hàng đầu tại khu vực xảy ra xung đột.
Armenia cáo buộc Nga quá tập trung vào cuộc xung đột tại Ukraine, đã không cung cấp đủ biện pháp bảo vệ nước này và khẳng định lực lượng bảo vệ hòa bình của Nga tại Karabakh không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình. Người biểu tình bức xúc về hành động của Nga (hành động mà họ coi là thất bại trong việc ngăn cản Azerbaijan) và hô hào khẩu hiệu chống Nga bên ngoài đại sứ quán Nga tại Armenia vào chiều thứ Ba.
Quan chức Mỹ cho biết, chính phủ nước này đang thực hiện một số biện pháp ngoại giao khủng hoảng xung quanh một sự kiện mà họ coi là một nguồn nguy hiểm tiềm tàng, và cho biết ông Blinken có thể sẽ can thiệp trong 24 giờ tới nhằm xoa dịu khủng hoảng.
Trong thứ Năm tuần vừa rồi, Pháp cho biết, nước này đã kêu gọi họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và cho biết, nước này đang làm việc với các nước đối tác để phản ứng mạnh mẽ. Đức cũng cho biết, Azerbaijan đã phá vỡ cam kết sẽ không thực hiện các hành động quân sự. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, nước này ủng hộ nỗ lực bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Baku.
Tại Karabakh, ông Ruben Vardanyan, quan chức cấp cao trong chính quyền người Armenia tại Karabakh tính tới tháng 2 vừa rồi, đã kêu gọi Armenia công nhận tuyên bố độc lập của Karabakh khỏi Azerbaijan.
Trong một video, ông Vardanyan phát biểu: “Tình hình tại đây đang rất nghiêm trọng. Azerbaijan đã triển khai một chiến dịch quân sự toàn diện chống lại 120 ngàn người dân, trong đó có 30 ngàn trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi”.
Nguyễn Quang Minh (Theo Reuters/Ảnh:Artsakh Public TV/Reuters)