Quy định về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ
Một trong những điểm mới quan trọng của Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 là quy định về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức tại Điều 15. Theo đó, cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn là cán bộ, công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính được giao hằng năm cho cấp huyện, được bầu cử, tuyển dụng, quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP, Chủ tịch UBND cấp huyện được ký hợp đồng có thời hạn với người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhiệm một số vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn dùng chung trong cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP, thuộc UBND cấp huyện.
Cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc TP quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc.
Tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản
Đáng chú ý, Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua quy định HĐND TP quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi đã bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội do Trung ương ban hành để thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này; tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của thành phố.
Sáng 28/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với tỷ lệ đồng thuận rất cao.
Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua gồm 7 chương và 54 điều, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chỉ đạo, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; bám sát 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định khi bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
HĐND TP có thẩm quyền quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội thuộc nhiệm vụ chi của các cấp ngân sách địa phương, thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của thành phố và các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội sau khi đã bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách;
Cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được chuyển thành cán bộ, công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính được giao hằng năm cho cấp huyện để tiếp tục làm việc tại vị trí đang công tác; trường hợp chuyển sang vị trí việc làm mới thì phải bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật và phù hợp với vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Quy định cụ thể về thu hút, trọng dụng người có tài năng
Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua cũng quy định cụ thể về thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cụ thể, Điều 16 quy định việc thu hút, trọng dụng người có tài năng được thực hiện như sau:
Công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức.
Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại điểm a khoản này được ký hợp đồng để thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Thành phố.
Người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Người được xét tuyển, tiếp nhận hoặc được ký hợp đồng làm việc quy định tại các điểm a, b và c khoản này được hưởng các chế độ, chính sách do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/luat-thu-do-sua-doi-quy-dinh-thu-nhap-tang-them-cua-cong-chuc-vien-chuc.html