Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số số vô tuyến điện có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Riêng quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên của Luật này có hiệu lực từ tháng 7/2024.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện là một trong những luật đã và đang được Bộ TT&TT sửa đổi, xây dựng nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Được thông qua tại phiên họp ngày 9/11/2022, kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV, Luật được thi hành sẽ tạo sự thay đổi lớn về quản lý, cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện có giá trị thương mại cao như tần số dành cho thông tin di động để thúc đẩy phát triển hạ tầng số, kinh tế số; hài hòa các mục đích phát triển kinh tế, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; đồng thời thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm công nghệ mới…
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ TT&TT diễn ra ngày 30/6, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện đã thông tin về những điểm chính của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Cụ thể, theo ông Lê Văn Tuấn, ba nhóm vấn đề lớn của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện gồm: Hoàn thiện cơ chế quản lý tần số dưới góc độ kinh tế, đặc biệt là tập trung vào thị trường di động; bổ sung cơ chế sử dụng băng tần để phát triển kinh tế xã hội kết hợp an ninh quốc phòng; bổ sung cơ chế cho phép sử dụng tần số ngoài quy hoạch để hỗ trợ việc nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới.
Trong đó, về cơ chế quản lý tần số, trước năm 2009, việc này chủ yếu dựa trên góc độ kỹ thuật, thực hiện cấp phép hành chính và thu phí. Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 bắt đầu tiếp cận ở góc độ thị trường, khi cho phép cấp qua đấu giá, thi tuyển.
Mặc dù cách tiếp cận nêu trên của Luật Tần số vô tuyến điện 2009 phù hợp với thông lệ quốc tế, song thực tiễn thực thi vẫn có vướng mắc. Chẳng hạn như Luật quy định băng tần có giá trị thương mại cao, có nhu cầu vượt qua khả năng phân bổ thì tổ chức đấu giá và thi tuyển, nhưng thực tế khái niệm “giá trị thương mại cao” là rất khó định lượng.
Để khắc phục bất cập của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009, Luật sửa đổi năm 2022 quy định, với các băng tần di động, đấu giá là mặc định, chỉ một số trường hợp đặc biệt mới thi tuyển hoặc cấp trực tiếp.
Luật mới còn quy định rõ việc xử lý trường hợp hết hạn giấy phép của nhà mạng đang kinh doanh ổn định. Theo đó, nếu quy hoạch, phân chia băng tần không thay đổi, doanh nghiệp sẽ được cấp lại giấy phép khi hết hạn. “Quy định mới này là sở cứ pháp lý rất quan trọng để Bộ TT&TT cho phép các doanh nghiệp tiếp tục sử dụng các băng tần đã được cấp phép trước đây, đảm bảo hoạt động ổn định của thị trường”, ông Lê Văn Tuấn cho hay.
Luật sửa đổi năm 2022 cũng quy định tường minh việc sẽ thu hồi giấy phép nếu doanh nghiệp vi phạm cam kết triển khai mạng hoặc không nộp đủ phí, tiền cấp quyền sử dụng trong vòng 12 tháng.
Thông tin rõ hơn về vấn đề bổ sung cơ chế sử dụng băng tần để phát triển kinh tế kết hợp quốc phòng an ninh, ông Lê Văn Tuấn cho biết, Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 quy định phân bổ tần số riêng cho quốc phòng an ninh, và nghiêm cấm sử dụng tần số này cho mục đích khác.
Luật sửa đổi năm 2022 đã bổ sung quy chế cho phép doanh nghiệp phục vụ mục đích quốc phòng an ninh được sử dụng băng tần di động để làm lưỡng dụng, vừa phục vụ quốc phòng an ninh vừa phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, phần băng tần dùng cho quốc phòng an ninh là cơ bản và doanh nghiệp phải đóng tiền cấp quyền sử dụng tần số cho phần băng tần dùng cho kinh tế xã hội.
Liên quan đến việc sử dụng tần số ngoài quy hoạch để hỗ trợ nghiên cứu phát triển, đại diện Cục Tần số vô tuyến điện lý giải, thực tế thời gian qua có vướng mắc khi tổ chức nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm.
Bởi lẽ, trong nghiên cứu sản xuất, có khâu thử nghiệm. Công nghệ mới thường sử dụng các tần số, băng tần mới, không có trong quy hoạch. Mặt khác, việc sản xuất thiết bị mang đi xuất khẩu cần phù hợp với băng tần của nước nhập nhưng có thể khác với băng tần của Việt Nam. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thử nghiệm công nghệ mới, sản phẩm trước khi xuất khẩu, khi Luật Tần số vô tuyến điện 2009 không cho phép sử dụng băng tần ngoài quy hoạch.
Để tháo gỡ vướng mắc trên, Luật sửa đổi năm 2022 bổ sung quy định cho phép sử dụng tần số không đúng với quy hoạch cho các trường hợp triển lãm, đo kiểm, nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới; sử dụng trong các sự kiện quốc tế, hội nghị quốc tế.