Cần sửa đổi khung pháp lý trong Luật trọng tài thương mại VCCI: Bãi bỏ Nghị định quy định chi tiết Luật Thương mại là cần thiết |
Vừa qua, Hội Luật gia Việt Nam đã có dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại (Luật TTTM) 2010 để chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Nhiều ưu điểm nhưng vẫn có bất cập
Theo dự thảo báo cáo, bên cạnh nhiều ưu điểm, tiến bộ, thì Luật TTTM và quá trình thực thi vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, bất cập do các quy định pháp luật về trọng tài còn chưa rõ ràng hoặc không phù hợp với thực tiễn, cũng như cách hiểu và áp dụng của tòa án chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và Luật Mẫu UNCITRAL (Luật mẫu của Ủy ban liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế).
Các bất cập này khiến tình trạng hủy, không công nhận và cho thi hành các phán quyết trọng tài diễn ra thường xuyên, gây tiêu tốn nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội, các hoạt động trọng tài chưa được thuận lợi và được sử dụng phổ biến như kỳ vọng. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng, sử dụng trọng tài làm phương thức giải quyết tranh chấp thay thế tòa án.
Để đánh giá tác động của chính sách đến Dự án Luật sửa đổi, Hội Luật gia Việt Nam xây dựng 4 nhóm chính sách lớn, bao gồm: Hoàn thiện quy định về phạm vi giải quyết tranh chấp của Trọng tài thương mại; hoàn thiện quy định về thủ tục tố tụng trọng tài thương mại; mở rộng thẩm quyền của Hội đồng trọng tài trong các thủ tục tố tụng trọng tài và sửa đổi, bổ sung quy định về phán quyết của trọng tài, hủy phán quyết trọng tài, xem xét lại quyết định của tòa án hủy phán quyết trọng tài.
Một buổi Hội thảo “Góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài Thương mại” tổ chức tại TP.HCM, ngày 11/11/2023. Ảnh: nguoiduatin.vn |
Số lượng các phán quyết trọng tài bị hủy cao
Dự thảo báo cáo nêu ra hàng loạt bất cập về một số quy định chồng chéo hoặc thiếu quy định của các bộ luật, luật chuyên ngành khác đã gây khó khăn, hạn chế cho việc xác định, mở rộng phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cho một số loại hình tranh chấp cụ thể.
Ví dụ như Điều 470 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài nhưng có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam, sẽ thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam. Điều này dẫn tới việc một số tòa án khi xét xử đã cho rằng các vụ việc dân sự có liên quan đến quyền đối với bất động sản trên lãnh thổ Việt Nam, sẽ không thể được xét xử bằng trọng tài.
Hay như bất cập về khái niệm “địa điểm giải quyết tranh chấp” và “trọng tài nước ngoài”, theo Điều 3.8 và 3.11 của Luật TTTM thì trọng tài nước ngoài là trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật trọng tài nước ngoài, cách tiếp cận này không phù hợp với Luật Mẫu của UNCITRAL, theo đó trọng tài được xác định theo địa điểm (pháp lý) giải quyết tranh chấp (“seat of arbitration”).
Theo định nghĩa của Luật TTTM, một phán quyết của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) hoặc UNCITRAL có địa điểm giải quyết tranh chấp tại Việt Nam sẽ được coi là phán quyết trọng tài nước ngoài.
Do đó đã có tình trạng nhiều phán quyết ICC, UNCITRAL có nơi giải quyết tranh chấp tại Việt Nam nhưng bị coi là phán quyết trọng tài nước ngoài, và bên tranh chấp phải mang tới một nước thứ ba (như Singapore) làm thủ tục hợp thức hóa lãnh sự tại văn phòng của tổ chức trọng tài tại quốc gia đó, sau đó đưa về Việt Nam để xin thi hành như một phán quyết trọng tài nước ngoài.
Trong khi đó, pháp luật Singapore (cũng như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới) đều không thừa nhận phán quyết này là phán quyết trọng tài trong nước của họ vì địa điểm giải quyết tranh chấp nằm ở Việt Nam. Nói cách khác phán quyết này sẽ “không có quốc tịch”. Tình trạng như vậy sẽ dẫn tới các bên tranh chấp không muốn đưa tranh chấp về Việt Nam để giải quyết vì phán quyết sẽ bấp bênh, không quốc tịch và không biết làm sao để thi hành tại Việt Nam.
Hay như các bất cập về thỏa thuận trọng tài, quyền hạn của hội đồng trọng tài, thủ tục tống đạt tài liệu và trao đổi liên lạc giữa các bên, trọng tài viên khẩn cấp, thời hiệu khởi kiện, miễn trách nhiệm dân sự cho trọng tài viên…
Theo thống kê từ năm 2011 tới 2020, số lượng các phán quyết trọng tài bị hủy thường xuyên ở mức cao. Tình trạng phán quyết trọng tài nước ngoài bị từ chối công nhận và cho thi hành tại Việt Nam cũng diễn ra phổ biến ở mức cao, các căn cứ từ chối chưa phù hợp với Công ước New York 1958 mà Việt Nam là thành viên cũng như thông lệ quốc tế về trọng tài, khiến các doanh nghiệp và nhà đầu tư lo lắng khi lựa chọn trọng tài tại Việt Nam để giải quyết tranh chấp của mình.
Những bất cập trên gây ảnh hưởng tiêu cực tới tính hiệu quả của hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam trên bản đồ trọng tài quốc tế, tạo ra nhu cầu bức thiết phải điều chỉnh pháp luật về trọng tài tại Việt Nam.