Ngày 25/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố 7 Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Trong đó, có Luật Nhà ở. Luật gồm 13 chương, 198 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường; sửa đổi hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Luật Nhà ở (sửa đổi) có những điểm mới cơ bản liên quan đến chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh; phát triển nhà ở; cải tạo, xây dựng lại chung cư; chính sách về nhà ở xã hội; tài chính cho phát triển nhà ở; quản lý, sử dụng nhà ở; quản lý sử dụng nhà chung cư…
Luật bổ sung 2 hình thức mới là phát triển nhà lưu trú công nhân và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.
Luật quy định Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn.
Đối với vấn đề phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê (còn gọi là “chung cư mini”), theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh: Luật đã quy định chặt chẽ, trong đó quy định loại hình nhà ở này đáp ứng điều kiện tại Khoản 1 Điều 57 Luật Nhà ở 2023 sẽ có cơ sở cấp sổ hồng, được bán, cho thuê mua, cho thuê theo quy định pháp luật. Đây là có cơ sở pháp lý công nhận quyền sở hữu riêng lẻ từng căn hộ “chung cư mini”.
Đối với Luật Nhà ở sửa đổi năm 2023, chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án. Ngoài ra chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Điểm mới ở Luật Nhà ở sửa đổi 2023 là chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội, được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại.
Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được hạch toán riêng, không được tính chi phí đầu tư xây dựng phần công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại này vào giá thành nhà ở xã hội và được hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại này; trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thì chủ đầu tư nộp thuế sử dụng đất đối với phần diện tích xây dựng nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật về đất đai.
Luật sửa đổi và bổ sung 2 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Đó là học sinh, sinh viên các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt theo quy định của pháp luật; học sinh trường dân tộc nội trú công lập và doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp.
Luật Nhà ở sửa đổi 2023, quy định trong thời hạn 5 năm, bên mua, thuê mua chỉ được bán lại cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc bán lại cho đối tượng thuộc trường hợp được mua nhà ở xã hội với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội này trong hợp đồng mua bán với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.