Ông Vũ Minh Đức cho biết: Sau nhiều lần điều chỉnh, dự thảo Luật Nhà giáo vẫn bám sát nội dung 5 chính sách đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua, đồng thời làm rõ: Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập là viên chức, thực hiện các quy định của Luật Viên chức (về tuyển dụng, sử dụng, quản lý, hệ thống thang bảng lương…) và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, các quy định đặc thù đối với nhà giáo.
Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập là người lao động thực hiện quy định theo Luật Lao động và các quy định đặc thù với nhà giáo.
Ở một số nội dung, dự thảo luật tăng tối đa các quy định chung không phân biệt giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập, như quy định về chức danh, chuẩn nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo, quyền và nghĩa vụ, chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ thu hút, thi đua, khen thưởng…
* Thưa ông, rất cần các chính sách mang tính đột phá để khuyến khích các nhà giáo giỏi nghề, yêu nghề gắn bó lâu dài và thu hút người trẻ có trình độ theo nghề. Điều này đã được quan tâm như thế nào ở dự thảo Luật Nhà giáo?
– Các chính sách tạo động lực để nhà giáo tận tâm, tận hiến với nghề không chỉ ở các chính sách về lương nhằm nâng cao đời sống nhà giáo.
Nhà giáo sẽ được nâng vị thế, được xã hội tôn vinh, ghi nhận và được bảo vệ uy tín, danh dự. Nhà giáo cũng được tạo điều kiện về môi trường làm việc, về cơ hội học tập bồi dưỡng, cơ hội để chủ động và sáng tạo hơn.
Với các nội dung đã đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo, ngành giáo dục sẽ có sự chủ động hơn trong tuyển dụng, sử dụng, phát triển đội ngũ nhà giáo vì có chế tài pháp lý đủ mạnh để tháo gỡ các nút thắt đang tồn tại trong thực tế về tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, thu hút người giỏi vào nghề dạy học.
Dự thảo Luật Nhà giáo cũng tạo bình đẳng về cơ hội phát triển giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập. Lần đầu tiên vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế của hợp đồng lao động.
Bao giờ giáo viên sống được bằng thu nhập từ nghề?
* Đề xuất nhà giáo hưởng lương cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp được đặt ra từ hơn 10 năm trước và được nhắc đến nhiều lần ở các kỳ họp và trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Nhưng trên thực tế, nhiều nhà giáo chưa sống đủ từ thu nhập chính đáng của nghề. Luật Nhà giáo ra đời sẽ có tác động thế nào đến vấn đề này?
– Lương nhà giáo cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp đã được đặt ra trong nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013. Nghị quyết 27-NQ/TW cũng xác định: “Lương nhà giáo được xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp”… Việc này cũng được nêu tại kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trong những năm qua, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan để triển khai đúng tinh thần này, và khi được luật hóa, việc này sẽ có cơ sở để triển khai thuận lợi hơn.
Theo đó, lương nhà giáo là xếp thang bảng lương theo vị trí việc làm phù hợp với đặc điểm lao động của nhà giáo.
Bên cạnh đó, nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với ngành giáo dục.
Bộ cũng đề xuất mức phụ cấp ưu đãi theo nghề chiếm 35% tổng quỹ lương cơ bản của toàn ngành và được phân bổ theo các nhóm khác nhau phù hợp với đặc thù công việc, nơi công tác…
* Trong dự thảo Luật Nhà giáo lần này có một số đề xuất cụ thể như nâng phụ cấp đối với giáo viên mầm non và tiểu học, nâng một bậc lương cho giáo viên mới tuyển dụng. Cơ sở để Bộ GD-ĐT đề xuất việc này là gì?
– Hiện phụ cấp nghề với nhà giáo đang quy định là 25% đối với giảng viên đại học và 35 – 70% đối với giáo viên mầm non, phổ thông tùy theo đối tượng và vùng miền công tác. Tại dự thảo, ban soạn thảo đề xuất tăng thêm 5 – 10% phụ cấp cho giáo viên mầm non và tiểu học. Lý do xuất phát từ thực tế giáo viên mầm non, tiểu học có thời gian làm việc tại trường dài hơn, điều kiện làm việc khó khăn và áp lực hơn.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa vào nội dung đề xuất nâng một bậc lương đối với giáo viên mới tuyển dụng vào ngành. Theo khảo sát của chúng tôi, trong số giáo viên bỏ nghề, có tới 61% ở tuổi dưới 35 và một trong những lý do dẫn tới tình trạng này là thu nhập thấp không đủ trang trải cho nhu cầu sinh hoạt.
Trong khi người trẻ có nhiều thứ phải lo như nuôi bản thân, lo cho con cái, nhu cầu học tập nâng cao trình độ…
Lương giáo viên có thâm niên dưới 5 năm hiện nay rất thấp. Vì thế, việc nâng một bậc lương với giáo viên khi xếp lương khởi điểm là đề xuất nhằm khuyến khích người trẻ vào nghề dạy học. Đây cũng là một phần của việc hiện thực hóa mục tiêu lương giáo viên cao nhất trong thang bậc lương.
* Nhưng khi đề xuất, ban soạn thảo có tính toán đến tính khả thi trong bối cảnh hiện nay?
– Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ có đánh giá tác động và trình phương án cụ thể về việc này, đảm bảo việc nâng phụ cấp, nâng bậc lương cho các đối tượng trên phù hợp với nguồn lực quốc gia. Theo tính toán thì việc nâng một bậc lương cho giáo viên khi xếp lương khởi điểm chỉ tăng 14% so với các ngành nghề khác.
Miễn học phí cho con nhà giáo, nên không?
* Đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo đang vấp phải ý kiến trái chiều, thậm chí là phê phán, khi cho là nhà giáo đòi hỏi. Nhiều người trong giáo giới cũng không cảm thấy việc này thể hiện sự tôn vinh, mà ngược lại họ giống như bị xếp vào diện nhận hỗ trợ như các đối tượng khó khăn khác. Ông có suy nghĩ thế nào về các luồng ý kiến này?
– Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, ban soạn thảo có căn cứ vào nguyện vọng chung của nhà giáo về việc có chính sách ưu tiên cho con nhà giáo, cụ thể là miễn học phí các cấp.
Quan điểm của ban soạn thảo khi đưa nội dung này vào dự thảo luật cũng là thể hiện sự tôn vinh, ghi nhận sự cống hiến của nhà giáo, góp phần khích lệ nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề. Trên thực tế, ở một số ngành đặc thù khác cũng có các chính sách ưu tiên.
Ví dụ như chính sách mua bảo hiểm hay khám chữa bệnh cho thân nhân của người làm việc trong lực lượng vũ trang. Nghề giáo cũng là một nghề đặc thù để đề xuất những ưu tiên, ưu đãi đối với thân nhân của họ.
* Đề xuất thì quý, nhưng việc chưa đồng thuận cho thấy ban soạn thảo chưa cân nhắc đến phản ứng tâm lý của một bộ phận nhà giáo – đối tượng thụ hưởng chính sách này…
– Ban soạn thảo vẫn đang tiếp tục lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến các bộ ngành, ý kiến của người dân và của chính các nhà giáo về việc này.
Về nguyên tắc, chỉ những nội dung đã chín, có sự đồng thuận cao chúng tôi mới đưa vào dự thảo luật cuối cùng để trình lên Quốc hội. Ban soạn thảo sẽ phân tích các góp ý, đánh giá tác động về đề xuất này trong trường hợp cụ thể (phạm vi, đối tượng thụ hưởng chính sách).
Ngoài ra, đề xuất cũng còn phải cân nhắc đến điều kiện đi kèm, cụ thể là nguồn ngân sách để đáp ứng. Đề xuất cũng sẽ xem xét trên cơ sở cân đối hài hòa với các lĩnh vực, ngành nghề khác nữa.
Cân nhắc tiếp về chứng chỉ hành nghề
* Việc quy định chứng chỉ hành nghề nhà giáo từng được xem là nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Nhà giáo trước đây nhưng hiện tại đã được đưa ra ngoài dự thảo mới nhất, vì sao?
– Ở dự thảo ban đầu, chứng chỉ hành nghề nhà giáo được đưa vào xuất phát từ yêu cầu đặc biệt về chất lượng nhà giáo. Hiện tại, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm nhà giáo cần trải qua một kỳ sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề. Vì với những người được đào tạo từ trường sư phạm, họ có nền tảng kiến thức nhưng họ vẫn cần phải được bồi dưỡng để có kỹ năng nghiệp vụ sư phạm nữa thì mới đủ để hành nghề.
Bên cạnh đó, có những người không học sư phạm nhưng muốn vào nghề dạy học thì càng cần bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ. Kỳ thi sát hạch vừa đảm bảo sử dụng nhiều nguồn tuyển giáo viên đa dạng, nhưng cũng đảm bảo chất lượng. Đây là việc nhiều nước trên thế giới cũng đã làm.
Tuy nhiên, vì đây là một nội dung mới, cần phải thận trọng nên ban soạn thảo đã không đưa vào dự thảo luật ở thời điểm này và sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổ chức thí điểm. Có thể nội dung này sẽ được đưa trở lại ở chu kỳ sửa đổi, bổ sung luật.
Không phải không ghi nhận thâm niên cho nhà giáo
* Khi lương nhà giáo được tính theo cách mới thì sẽ không còn phụ cấp thâm niên như hiện nay, điều đó thiệt thòi cho giáo viên có nhiều năm công tác. Bộ GD-ĐT có tính đến việc này khi đề xuất để đảm bảo quyền lợi cho nhà giáo?
– Khi lương được trả theo vị trí việc làm, nhà giáo sẽ chỉ có lương, phụ cấp nghề, phụ cấp thu hút (khi làm việc ở vùng khó khăn) và không còn phụ cấp thâm niên. Nhưng không có nghĩa thâm niên của giáo viên không được ghi nhận. Cụ thể nó sẽ được tính toán và thể hiện cụ thể ở bậc lương, vị trí việc làm.
TS Nguyễn Kim Hồng (nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM):
3 cách tăng thu nhập giáo viên mà không ảnh hưởng ngành khác
Giáo viên đang trông chờ ở Luật Nhà giáo sắp tới là thay đổi cơ bản cách nhìn nhận của xã hội cũng như vai trò của giáo viên đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Muốn được như thế thì có nhiều cách và một trong các cách làm hiện nay để mở ra sự khác biệt đó là tăng thu nhập cho giáo viên.
Khi Quốc hội có nhìn nhận ưu tiên phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu thì việc chăm lo vật chất tiền lương cao cho giáo viên là cần thiết.
Tuy nhiên, theo tôi, có những cách sau để tăng thu nhập của giáo viên nhưng không ảnh hưởng đến ngành nghề khác.
1. Cần nâng ngạch bậc lương khởi điểm của nhà giáo cao hơn, ít nhất là một bậc so với mức đang được định trong bảng lương về giáo viên của Nhà nước.
Nhìn ra một chút, hiện nay tất cả giáo viên làm trong các cơ sở giáo dục từ mầm non tới đại học đều phải có ít nhất 4 năm học đại học và 6 năm nếu muốn dạy ở bậc cao đẳng, đại học. Nghĩa là mức đào tạo này tương đương với quân đội, công an.
Bên quân đội, bậc lương của họ có 5 bậc, sau khoảng 18 năm thì họ đã đến bậc sau cùng của giáo viên chính bậc phổ thông và giảng viên chính của bậc đại học. Tuy không so sánh trực tiếp, nhưng nếu được, nên nâng một đến hai bậc lương khởi điểm cho giáo viên là vậy.
2. Vậy đã đủ cho giáo viên sinh hoạt hay chưa? Nếu chưa đủ thì tôi mong Nhà nước hãy xây nhà công vụ cho giáo viên trong trường học, giáo viên có thể ở trong thời gian làm việc và hết thời gian làm việc thì chuyển họ đến chỗ khác.
Nhà công vụ phải đủ cho gia đình. Nếu phương án này không được nữa thì cần có quỹ nhà ở dành cho giáo viên với mức vừa phải, cho họ vay trả trong 35 năm làm việc để sau 40 năm thì họ có chỗ “chui ra chui vào”.
3. Nhiều người rất muốn được hưởng thâm niên nhà giáo, có bậc lương thâm niên nhà giáo thì có thu nhập về hưu rất cao. Tuy nhiên tôi không mong đưa giáo dục vào nhóm có thâm niên, nhưng nhà giáo phải có phụ cấp trong khoảng thời gian đi dạy và khoản phụ cấp này không tính vào lương hưu để khi về hưu thì họ cũng có lương bằng các viên chức khác.
Giáo viên không được làm gì? Được bảo vệ thế nào?
* Bên cạnh những chính sách đãi ngộ với nhà giáo, cũng cần có các quy định cụ thể và cập nhật với tình hình thực tế về trách nhiệm, đặc biệt là những việc giáo viên không được làm. Vậy quy định này trong dự thảo luật thế nào?
– Dự thảo có quy định chung nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập không được làm những việc viên chức không được làm theo quy định của pháp luật về viên chức.
Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài không được làm những việc bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Bên cạnh đó, dự thảo có một số quy định cụ thể hơn về những điều thuộc trách nhiệm của nhà giáo, xuất phát từ thực tiễn.
Cụ thể như việc không được phân biệt đối xử giữa người học, không gian lận, làm sai lệch kết quả trong tuyển sinh và kiểm tra đánh giá người học, không ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, không lợi dụng danh nghĩa nhà giáo để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật…
* So với diễn biến ở thực tế, quy định về những điều giáo viên không được làm trong dự thảo luật khó bao quát được hết, vậy Bộ GD-ĐT có nên xây dựng một bộ quy tắc ứng xử riêng để nhà giáo có cơ sở thực hiện?
– Với thẩm quyền của mình, Bộ GD-ĐT đã xây dựng thông tư ban hành bộ quy tắc ứng xử của nhà giáo, dự thảo này cũng được gửi kèm với hồ sơ dự thảo Luật Nhà giáo đợt này.
* Trong quy định tại dự thảo có mục quy định những việc không được làm với nhà giáo, trong đó có quy định không công khai thông tin sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng.
Việc này liệu có làm giảm vai trò giám sát của xã hội và truyền thông không khi nhiều vụ việc sai phạm không được người dân và truyền thông nêu sẽ khó phát hiện, xử lý?
– Tôi nghĩ dự thảo không làm giảm vai trò giám sát, vì chỉ quy định không công khai thông tin khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền.
Trên thực tế, có nhiều vụ việc chưa được cơ quan có thẩm quyền xác minh rõ trách nhiệm, đúng – sai thì đã bị đưa tràn lan trên mạng xã hội gây áp lực rất lớn cho nhà giáo.
Trong khi đặc thù nghề giáo là phải nêu gương; việc nhà giáo bị đưa lên mạng, thậm chí bị phê phán, mạt sát trước nhiều người, trước học trò sẽ làm giảm uy tín của người thầy.
Dự thảo quy định như thế để bảo vệ nhà giáo nhưng không có nghĩa là che giấu cho sự sai trái. Người dân, phụ huynh, học sinh vẫn có thể thực hiện vai trò giám sát và phản ánh sự việc đến nơi có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý thông tin và sự việc có thể công khai khi đã có kết luận rõ ràng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/luat-nha-giao-nang-thu-nhap-vi-the-nguoi-thay-20241012081528666.htm