DNVN – Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 30/11 đã bao quát được các chính sách lớn như quy hoạch điện lực, thị trường điện và phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan, bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những điểm nghẽn đã tồn tại trong thời gian dài.
Nhiều điểm mới
Ngày 26/10, thảo luận tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đến sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực trước yêu cầu đòi hỏi về hạ tầng, năng lượng – một trong những yếu tố mang tính trụ cột, dẫn dắt, đột phá đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Theo Tổng Bí thư, bên cạnh môi trường đầu tư tốt kinh doanh thuận lợi, cũng cần tính toán đến sản lượng điện cung cấp cho nền kinh tế, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Do vậy sửa đổi Luật Điện lực cần có tầm nhìn để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới; cùng với đó, chú trọng ưu tiên phát triển điện sạch, phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; tính toán quy hoạch điện, vận tải điện hài hòa giữa các vùng, miền trong cả nước.
Ngày 30/11, với 91,65% đại biểu tán thàn, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi). Đây là dự án Luật quan trọng, có tác động lớn đến nền kinh tế, đảm bảo cho các mục tiêu tăng trưởng, phát triển của đất nước cũng như an ninh năng lượng quốc gia trong trước mắt và lâu dài.
Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) ngày 30/11/2024.
Có hiệu lực từ ngày 1/2/2025, Luật Điện lực 2024 đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Luật Điện lực năm 2024 đã bao quát được các chính sách lớn như quy hoạch điện lực, thị trường điện và phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan, bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những điểm nghẽn đã tồn tại trong thời gian dài, như cơ chế thực hiện các dự án điện khẩn cấp; làm rõ cơ chế xử lý, thay thế đối với các dự án điện chậm tiến độ.
Luật mới tạo cơ hội lớn cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào công trình nguồn điện, lưới điện, đồng thời khuyến khích chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang nguồn năng lượng tái tạo và phát thải thấp. Đặc biệt, các cơ chế ưu đãi cho điện gió ngoài khơi và điện khí thiên nhiên hóa lỏng được kỳ vọng thúc đẩy sự đa dạng hóa và bền vững trong nguồn cung năng lượng.
Một điểm đáng chú ý trong Luật Điện lực 2024 là cam kết phát triển thị trường điện cạnh tranh với sự điều tiết của Nhà nước. Điều này sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả hoạt động điện lực, tách bạch các hoạt động độc quyền tự nhiên và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân.
Về giá điện, Luật khẳng định cơ chế giá theo thị trường, xóa bỏ bù chéo giá giữa các nhóm khách hàng, đồng thời bảo đảm quyền lợi của các đơn vị điện lực và khách hàng. Những cải tiến này hướng đến việc cung cấp điện ổn định, chất lượng cao với giá thành hợp lý.
Gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy dòng vốn đầu tư
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao tính thực tiễn của Luật Điện lực (sửa đổi). Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho rằng, Luật Điện lực (sửa đổi) lần này sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, vì điện năng là nguồn tài nguyên quan trọng phục vụ mọi lĩnh vực kinh tế và xã hội.
Đặc biệt, việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào nguồn điện lưới quốc gia và cắt giảm chi phí điện dài hạn. Điều này cũng giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tăng tính bền vững.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình).
Dự thảo Luật cũng mở cửa cho nhiều thành phần kinh tế tham gia sản xuất, phân phối và kinh doanh điện, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn nước ngoài tham gia vào thị trường. Điều này tạo ra cạnh tranh, dẫn đến việc cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm chi phí cho các doanh nghiệp sử dụng điện. Do đó, việc ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) lần này hết sức cần thiết và cấp bách cho sự phát triển kinh tế – xã hội cho Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai sắp tới.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) đánh giá, Luật sẽ giảm bớt khó khăn trong bảo đảm an ninh năng lượng, đồng thời thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế vào năng lượng cũng như đa dạng dòng vốn quốc tế đầu tư vào Việt Nam, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng mới giảm phát thải. Đây là bước đi cần thiết để Việt Nam đáp ứng mục tiêu giảm phát thải và phát triển kinh tế bền vững.
Với những cải cách toàn diện, Luật Điện lực 2024 không chỉ giải quyết các điểm nghẽn lâu năm mà còn mở ra cánh cửa phát triển mạnh mẽ cho ngành năng lượng, góp phần đưa Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại.
Nguyệt Minh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/luat-dien-luc-2024-go-diem-nghen-thuc-day-dong-von-dau-tu/20241201103946356