Chiều 29/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Tổ 15 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Trị, Yên Bái, Bình Phước và Bình Thuận. Ông Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị chủ trì phiên thảo luận.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công
Thảo luận tại Tổ, các ĐBQH thống nhất cho rằng, Luật Đầu tư công năm 2019 đã mang đến nhiều đổi mới quan trọng, cải cách sâu rộng về tư duy và quan điểm quản lý trong lĩnh vực đầu tư công. Các quy định trong luật đã góp phần đáng kể trong việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giảm thiểu thủ tục hành chính phức tạp, qua đó tạo điều kiện cho các bộ, ngành và địa phương được chủ động, linh hoạt hơn trong công tác quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai, một số quy định trong Luật Đầu tư công 2019 đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc nhất định, ảnh hưởng tới hiệu quả thực thi. Do đó, các đại biểu tán thành với sự cần thiết nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật.
Cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thành Trung – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng, theo đề nghị của Chính phủ, đây là các vấn đề đã chín, đã rõ, cấp thiết, cần tháo gỡ ngay nhằm giải phóng nguồn lực đầu tư công để đẩy mạnh thực hiện, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược 10 năm 2021-2030 và áp dụng ngay trong xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, theo đó, trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8. Trường hợp đạt được sự đồng thuận cao của ĐBQH trong quá trình thảo luận tại Quốc hội, đại biểu tán thành với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.
Đối với quy định cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C), đại biểu Nguyễn Thành Trung tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc cho phép tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án thành phần độc lập trong tổng thể dự án đối với tất cả các nhóm dự án, tạo sự linh hoạt cho cấp quyết định chủ trương đầu tư trong lựa chọn hình thức giải phóng mặt bằng theo một dự án riêng hoặc thực hiện cùng với dự án tổng thể, phù hợp với yêu cầu triển khai dự án. Tuy nhiên, cũng có những dự án nhóm B, C có quy mô nhỏ, đề nghị cần căn cứ vào tình hình thực tiễn cụ thể, bổ sung quy định giao cho cơ quan quyết định dự án chủ động lựa chọn việc áp dụng hay không cho phù hợp.
Đối với quy định về nâng quy mô vốn đầu tư công: dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên; dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C với quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành (Điều 8, 9,10,11), đại biểu Nguyễn Thành Trung cho rằng, việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án là cần thiết và có căn cứ (ví dụ như các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C tăng quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành, phù hợp với quy mô GDP của nền kinh tế hiện nay đã tăng 2,1 lần so với năm 2015 khi Luật Đầu tư công bắt đầu có hiệu lực thi hành). Việc nâng quy mô vốn đầu tư công như dự thảo luật thực chất là đẩy mạnh phân cấp, phù hợp với quan điểm, mục tiêu xây dựng luật và phù hợp với chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị việc tăng cường phân cấp, phân quyền cần đi đôi với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; gắn liền với khả năng, năng lực quyết định, tổ chức, nguồn nhân lực của từng cấp quản lý, đặc biệt là trách nhiệm của địa phương trong việc thẩm định nguồn vốn, bảo đảm việc quyết định và thực hiện hiệu quả, tránh tình trạng quyết định đầu tư vượt quá khả năng cân đối nguồn vốn NSNN, đầu tư dàn trải, phân tán, trạng xin vốn trung ương; đảm bảo vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp.
Thảo luận tại Tổ, đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho biết, việc sửa đổi Luật Đầu tư công là cần thiết để luật hóa các quy định, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao sự linh hoạt, chủ động của các cấp, các ngành trong quản lý, thực hiện kế hoạch đầu tư công.
Góp ý vào Điều 5 về đối tượng đầu tư công, đại biểu cho biết, tại khoản 1 quy định: “Trường hợp thực sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập…”, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “thực sự cần thiết” vì khái niệm cụm từ này không lượng hóa được, mặt khác có thực sự cần thiết hay không còn mang tính thời điểm nên khi các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán dự án về sau sẽ đưa ra nhận định chủ quan, dễ dẫn đến kết luận chưa phù hợp, gây bất lợi cho các cơ quan, người có liên quan đến đề xuất chủ trương đầu tư dự án. Đại biểu đề nghị viết lại như sau: “Trường hợp tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập…”.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh (Điều 93), đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị xem xét bổ sung vào khoản 3 quy định: “Trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”. Việc bổ sung nhằm đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong quy trình phê duyệt tài khoản chủ đầu tư. Theo địa biểu, việc bổ sung này sẽ giúp đồng nhất quy định nội dung tại Khoản 2, Điều 25 của Luật thảo, tránh chồng chéo thẩm quyền và đảm bảo các dự án thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được thông qua một cách hợp pháp và minh bạch.
Tháo gỡ để thúc đẩy phát triển
Tham gia phát biểu, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu tại Tổ 15, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho biết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Luật Đầu tư công (sửa đổi) được thông qua tại 1 kỳ họp nếu đảm bảo chất lượng. Các vấn đề được đề xuất trong dự thảo Luật lần này là 1 quá trình tổng kết, rà soát, chọn lọc những vấn đề đã thực sự cấp bách, quan trọng, đúng tinh thần “tháo gỡ để thúc đẩy phát triển”. Ban soạn thảo đã rất nghiêm túc, làm việc trách nhiệm để gom các vấn đề lại, đề xuất sửa đổi Luật với 44 điều.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, quyết định của Quốc hội đã cho phép. Đặc biệt là sửa đổi theo hướng đổi mới tư duy quản lý sang tư duy mới là vừa quản lý, vừa kiến tạo cho thúc đẩy phát triển. Trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, kể cả Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội để đảm bảo chất lượng các quy định đưa ra.
Về phạm vi sửa đổi liên quan đến quy định cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là vấn đề quan trọng của việc sửa đổi lần này. Chúng ta hay nói nhiều đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, kể cả năm 2024 khi đến hết tháng 9 mới được hơn 47%. Tại sao bao nhiêu quyết sách, bao nhiêu nỗ lực nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn thấp, thậm chí thấp hơn cả năm 2023? – Bộ trưởng đặt câu hỏi và cho rằng, thực trạng này có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân quan trọng nhất là khâu giải phóng mặt bằng chậm.
Bộ trưởng phân tích, khi có quyết định đầu tư, chúng ta mới làm được giải phóng mặt bằng. Lúc đó mới đi đo đạc, kiểm đếm, định giá, lên phương án đền bù, xây dựng khu tái định cư… chúng ta mất rất nhiều thời gian cho các khâu này. Dự thảo Luật lần này quy định theo hướng căn cứ vào quy hoạch, căn cứ vào nguồn vốn đã xác định, các khu tái định cư đã được xác định, quyết tâm của cấp ủy, người đứng đầu. Khi có quyết định đầu tư xong là chúng ta có thể triển khai sớm, bắt tay vào giải phóng mặt bằng, đền bù, xây tái định cư, sẽ sớm hơn được từ 6 đến 8 tháng. Điều quan trọng nữa là theo quy định mới của dự thảo Luật có thể tách bạch được 3 khâu trong quá trình thực hiện 1 dự án, từ đó quy rõ được trách nhiệm và từng bước cụ thể để rút ngắn được thời gian thực hiện.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quy định về phân cấp, phân quyền trong dự thảo Luật cũng có những đổi mới rất mạnh, trên tinh thần: địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Theo đó, Luật sẽ phân cấp theo hướng “thấp” đi một cấp: Từ thẩm quyền của Quốc hội, có những cái chuyển thành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển xuống cho Chính phủ; Chính phủ giao cho địa phương; Hội đồng Nhân dân giao cho Ủy ban Nhân dân. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng ghi nhận ý kiến của một số ĐBQH khi cho rằng cần xem xét việc phân cấp cho cấp xã trong thực hiện dự án đầu tư, vì năng lực cán bộ cấp xã còn hạn chế. Bộ trưởng cho biết, sẽ xem xét thiết kế 1 điều quy định theo hướng cấp trên 1 cấp có quyền quyết định có phân cấp hay không, nếu thấy năng lực không đủ thì không phân cấp, hoặc nếu đã phân rồi mà thấy không làm được thì có quyền rút về.
Về quy định nâng quy mô vốn đầu tư công dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên, dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C với quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành (Điều 8, 9,10,11), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các quy định cũ được thực thi từ năm 1997 quy định là 10.000 tỷ, đến nay đã 27 năm chưa sửa đổi. Năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị nâng lên 20.000 tỷ nhưng Quốc hội không đồng ý với lý do các dự án trên 20.000 tỷ rất ít. Mới đây, Ban soạn thảo đã rà soát và thấy rằng, các dự án trên 30.000 tỷ có khoảng 30 dự án. Với số lượng này, Quốc hội đã “rất vất vả”. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ quy mô nền kinh tế của nước ta đã tăng lên, việc trượt giá và để đảm bảo ổn định Luật này khi thông qua thực thi được 5 năm đến 10 năm thì việc sửa đổi tăng lên 30.000 tỷ là hợp lý.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/du-thao-luat-dau-tu-cong-phan-cap-phan-quyen-manh-me-giam-thieu-thu-tuc-hanh-chinh-382394.html