Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) chiều 22-6-2023
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, thể hiện sự thống nhất cao với việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Căn cước công dân.
Đại biểu tán thành trong lần sửa đổi này có mở rộng thêm đối tượng áp dụng là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và chưa xác định được quốc tịch nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng này, đồng thời, tạo điều kiện cho công tác quản lý nhà nước về dân cư được tốt hơn. Tuy nhiên, về tên của dự thảo Luật, đại biểu bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội khác là không nhất thiết phải đổi tên từ Luật Căn cước công dân sang Luật Căn cước như là dự thảo hiện nay.
Góp ý cho các điều khoản cụ thể, trước hết, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nên rà soát lại các điều luật để đảm bảo phù hợp với việc mở rộng thêm đối tượng áp dụng của dự thảo luật là người gốc Việt Nam. Cụ thể như tại Điều 13 quy định về số định danh cá nhân. Theo đó, số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc, cấp cho mỗi công dân Việt Nam và dùng để cấp thẻ căn cước. Lần sửa đổi này thì việc cấp số định danh cá nhân cho cả người gốc Việt Nam và dùng để cấp giấy chứng nhận căn cước cho họ.
Thứ hai, về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước được quy định tại Điều 19, đại biểu cho rằng các thông tin thể hiện trên thẻ căn cước chỉ nên là những thông tin gắn liền với các cá nhân đó và mang tính chất cố định, còn những thông tin có tính chất thay đổi thường xuyên, ví dụ như nơi cư trú thì đề nghị không nên quy định vào thông tin thể hiện ở trên thẻ căn cước.
Thứ ba, tại khoản 4 Điều 24 của dự thảo Luật có quy định “trường hợp từ chối cấp thẻ căn cước thì cơ quan quản lý căn cước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”. Đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật nên bổ sung quy định cụ thể những trường hợp nào sẽ từ chối việc cấp thẻ căn cước để đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh tình trạng từ chối cấp thẻ căn cước theo ý chí chủ quan của cá nhân hoặc của cơ quan cấp thẻ.
Về mặt kỹ thuật, đại biểu có một số góp ý cụ thể như sau:
Thứ nhất, về khái niệm “người gốc Việt Nam”, tại Điều 2 về đối tượng áp dụng có quy định “người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch”, trong khi tại khoản 2, Điều 7 có nêu “người gốc Việt Nam gồm người đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống, con ruột, cháu ruột của những người này”. Đối chiếu lại hai nội dung quy định ở hai điều khoản trên, đại biểu thấy có một số trường hợp sẽ không có sự thống nhất với nhau, vì vậy đề nghị cơ quan soạn thảo cần giải thích từ ngữ về khái niệm “người gốc Việt Nam” ở Điều 3 cho rõ ràng, thống nhất, làm cơ sở để quy định nội dung này ở các điều khoản sau.
Thứ hai, đề nghị điều chỉnh tên của Điều 5 về quyền và nghĩa vụ về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước thành “Quyền và nghĩa vụ của công dân, người gốc Việt Nam về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước” để rõ ràng và phù hợp với các nội dung được quy định ở điều luật này. Tương tự như vậy, ở Điều 7, đề nghị bỏ cụm từ “quản lý người gốc Việt Nam” ở tên của Điều 7 để phù hợp với nội dung được quy định trong nội dung của điều luật này.
Thay mặt Bộ Công an, cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết hầu hết các ý kiến của đại biểu đều đã được Chính phủ báo cáo rõ hướng tiếp thu giải trình tại Báo cáo số 311 ngày 20-6-2023. Tuy nhiên, Bộ Công an vẫn sẽ báo cáo Chính phủ và phối hợp với các cơ quan liên quan của Quốc hội tiếp tục tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) cho phù hợp, đảm bảo hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023).
Tin, ảnh: Ái Thi