Chiều 2/6, trình bày tờ trình về dự án Luật Căn cước, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Luật Căn cước công dân năm 2014 là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, căn cước, tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại… Tuy nhiên, qua hơn 7 năm triển khai thi hành, luật đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình chiều 2/6
Vì vậy, cần thiết xây dựng dự án Luật Căn cước nhằm mục đích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Về tên gọi của luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc chỉnh lý tên gọi “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước” nhằm bảo đảm tính bao quát, đầy đủ, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, phù hợp với yêu cầu quản lý và khai thác, sử dụng trong các giao dịch của người dân; do vậy, nhất trí tên gọi của dự thảo luật là Luật Căn cước.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc thay đổi, cải tiến để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chip điện tử trên thẻ căn cước.
Về người được cấp thẻ căn cước, dự thảo luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân; qua đó, giúp giảm giấy tờ, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.
Dự thảo luật cũng quy định mỗi người dân chỉ có 1 căn cước điện tử là tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập; việc thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử phải sử dụng căn cước điện tử. Căn cước điện tử được sử dụng để thực hiện các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của người dân
Về quy định chuyển tiếp, dự thảo luật quy định chuyển tiếp theo hướng căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ; khi người dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước.
Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, hiện nay, Bộ Công an đã cấp được gần 80 triệu thẻ căn cước công dân cho người đủ điều kiện cấp thẻ nên việc quy định thời hạn hết giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân cơ bản không tác động đến người dân. “Quy định này sẽ hạn chế việc tiếp tục sử dụng chứng minh nhân dân cũ, có tính bảo mật không cao bằng thẻ căn cước và không có nhiều tiện ích; thúc đẩy người dân thay đổi thói quen bằng việc sử dụng thẻ căn cước gắn chíp điện tử”, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh./.
Nhóm PV/VOV.VN