Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh rằng, đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp” tại ĐBSCL chỉ có thể thành công khi có sự đồng thuận và tham gia quyết liệt từ các địa phương và nông dân.
Phát biểu này được đưa ra trong buổi gặp gỡ với các trưởng và phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của 12 tỉnh, thành phố thuộc khu vực ĐBSCL, tổ chức tại Hà Nội chiều tối 26-8.
Đề án đã được thí điểm qua 3 vụ liên tiếp tại các tỉnh Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Đồng Tháp. Kết quả ban đầu cho thấy nông dân đã giảm đáng kể lượng lúa giống, phân bón cũng như chi phí sản xuất, đồng thời nâng cao năng suất và giá trị sau thu hoạch. Lúa sau thu hoạch được bao tiêu với giá cao hơn 200-300 đồng/kg so với phương thức canh tác truyền thống.
Tuy nhiên, ông Thạch Phước Bình, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh bày tỏ lo ngại về sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch hạ tầng thủy lợi, giao thông và kho bãi. Ông đề nghị cần có cơ chế phối hợp rõ ràng giữa Trung ương và địa phương, cũng như giữa các địa phương với nhau để đảm bảo mục tiêu của đề án không bị ảnh hưởng.
Chia sẻ với những băn khoăn này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN-PTNT đã đề xuất Chính phủ đưa “thương lái” vào hệ thống ngành hàng lúa gạo để tăng cường sự đồng bộ và hiệu quả. Ông cũng kêu gọi các đại biểu Quốc hội lan tỏa tinh thần đề án tới người dân, giúp thay đổi tư duy và phương thức canh tác để đạt được mục tiêu đề ra.
Theo Bộ trưởng, ngành hàng lúa gạo muốn bền vững phải có hệ sinh thái với sự tham gia của các bên gồm: nông dân, thương lái, doanh nghiệp và Nhà nước. Đặc biệt, lãnh đạo địa phương phải coi đây là một cuộc “cách mạng” thì đề án mới thành công.
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và là đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ, mục tiêu kép của đề án là giúp nông dân sản xuất xanh và giảm lượng khí phát thải nhà kính. Thực hành đúng, bà con có thể có thêm nguồn thu từ bán tín chỉ carbon. Điều này không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn giúp lúa gạo Việt Nam có lợi thế khi xuất khẩu, đồng thời thu hút lao động trẻ trở về sản xuất ngay trên chính đồng đất quê hương.
Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng nông dân cần vượt qua rào cản từ tập quán sản xuất truyền thống để thích ứng với phương pháp mới.
VĂN PHÚC
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/lua-xanh-cao-hon-lua-thuong-200-300-dongkg-post755809.html