Muôn vàn thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng
Đầu tháng 7/2023, chị H, nhân viên kế toán của một tổng công ty nhà nước nhận được tin nhắn của chị chồng chuyển 5 triệu đồng để giải quyết gấp công việc. Sau khi nhận được tin nhắn này, chị H đã liên hệ lại cho chị chồng qua Messenger nhưng không nghe rõ bên kia nói gì nên đành chuyển tiền luôn. Sau đó, chị H được chị chồng thông báo lại là bị đối tượng xấu hack Facebook và lừa đảo vay tiền hàng loạt người thân bạn bè trên Facebook. Đây là thủ đoạn rất cũ nhưng vẫn rất nhiều người sập bẫy các đối tượng lừa đảo kiểu này.
Mới đây, bà P.T.N, xã Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng công an, thông báo bà đã vi phạm pháp luật, để không bị niêm phong tài sản và bị tạm giam, bà phải mở tài khoản chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra. Trước những lời đe dọa của đối tượng lừa đảo, bà N đã làm theo hướng dẫn và đến Ngân hàng Agribank chi nhánh Ba Vì rút hết số tiền tiết kiệm 260 triệu đồng để chuyển cho chúng. Rất may, ngân hàng đã nghi ngờ và báo công an kịp thời nên bà N không bị lừa số tiền trên.
Thời gian gần đây, Công ty MISA đã nhận được những phản ánh từ một số công dân về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua website và ứng dụng điện thoại mạo danh MISA. Cụ thể, MISA nhận được phản ánh website mạo danh có tên miền là https://misavnp.com/ yêu cầu người dùng cá nhân tạo tài khoản và tham gia vào hệ thống, dụ dỗ chuyển tiền giao dịch mua hàng trực tuyến để được nhận hoa hồng. Thế nhưng, đây thực chất là chiêu lừa mới, nếu nạn nhân sập bẫy, tiền chuyển sẽ vào tài khoản cá nhân của kẻ lừa đảo.
Ngoài ra, MISA cũng nhận được phản ánh về ứng dụng di động mang tên “Misa” giả mạo, quảng cáo sai lệch, kêu gọi cá nhân bỏ tiền đầu tư vào hình thức có tên “gói dữ liệu” để nhận được mức lợi nhuận cao, thậm chí lên tới 40% – 50%. Ứng dụng mạo danh này yêu cầu khách hàng đăng ký tài khoản hội viên và đưa ra những thông tin về chương trình mua “gói dữ liệu”, từ đó thực hiện các giao dịch nhằm chiếm đoạt tài sản.
Không riêng gì MISA, các tổ chức tài chính, ngân hàng như TPBank, Sacombank, ACB, Zalopay… thời gian gần đây cũng bị mạo danh gửi tin nhắn đến nhiều thuê bao di động. Các tin nhắn này có nội dung giả mạo, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của người dân. Người dùng không cẩn thận khi truy cập vào các website lừa đảo sẽ bị dẫn dụ để cung cấp thông tin cá nhân như tài khoản, mật khẩu, mã OTP,… và thực hiện các thao tác chuyển tiền mà không hay biết.
Theo các chuyên gia bảo mật, việc các đối tượng xấu giả mạo tin nhắn định danh (brandname) của các ngân hàng, ví điện tử khiến nhiều người dùng mất cảnh giác, truy cập vào các website giả mạo do chúng lập ra.
Qua xác minh, đánh giá cho thấy các tin nhắn giả mạo này không xuất phát từ hệ thống của các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông mà được phát tán thông qua các thiết bị phát sóng di động giả mạo. Người dùng không cảnh giác sẽ cung cấp thông tin mã OTP để đối tượng hoàn tất quá trình chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Ngoài các hình thức trên, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng gần đây còn nhắm đến các đối tượng là phụ nữ để mời gọi đầu tư qua các app, bán hàng đa cấp,… Chúng dụ dỗ nạn nhân chuyển tiền và chiếm đoạt. Sau đó, kẻ lừa đảo đóng tài khoản mạng xã hội và bỏ số điện thoại để cắt đứt liên lạc.
Cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng
Theo thống kê từ Phòng Hình sự Công an huyện Ba Vì (Hà Nội), hiện có 21 thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng đang được các đối tượng lừa đảo thực hiện. Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Công an huyện Ba Vì cho biết, tội phạm trên không gian mạng tăng đột biến, đặc biệt sau ảnh hưởng của đại dịch Covid khiến kinh tế khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn cho hay, tình hình tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thời gian gần đây gia tăng, gây thiệt hại lớn cho tài sản của người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Các đối tượng sử dụng mạng xã hội để kết nối gửi quà, sau đó giả danh bưu điện, hải quan để đòi gửi tiền nhận quà. Thậm chí, các đối tượng còn giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án để gọi điện thoại đe dọa người dân và đòi chuyển tiền, sau đó chiếm đoạt. Các đối tượng xấu còn chiếm quyền kiểm soát các tài khoản mạng xã hội, sau đó nhắn tin lừa người dân vay tiền; lập website giả mạo lừa lấy mã OTP và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Gần đây nhất là thủ đoạn gọi điện thoại thông báo người thân, học sinh bị tai nạn cần tiền cấp cứu.
Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, lừa đảo trực tuyến tăng rất mạnh tới 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Thống kê cho thấy, nạn nhân của lừa đảo trực tuyến đang có sự dịch chuyển mạnh sang nhóm người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, và các công nhân, người lao động thu nhập thấp. Đó là sự dịch chuyển chúng tôi nhận thấy khá rõ trong năm nay. Những hình thức lừa đảo tài chính tập trung nhiều vào nhóm đối tượng này. Khi công nghệ phát triển, phổ cập smartphone nhiều, hiện nay trẻ em, người cao tuổi, sinh viên, người lao động thu nhập thấp đều đã có smartphone. Mặc dù đã tiếp cận với công nghệ, nhưng khả năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo của các nhóm đối tượng này còn khá thấp. Vì thế, các nhóm lừa đảo đã tập trung mạnh vào những đối tượng này”, ông Trần Quang Hưng nói.
Cục An toàn thông tin cho hay, đã hình thành các tổ chức lừa đảo, tập trung nhiều tại các nước lân cận. Thời gian trước là Campuchia, gần đây xuất hiện cả các nhóm lừa đảo tại Lào, Philippines,… Các nhóm đối tượng này cũng tập hợp được nhiều người Việt tham gia, tập trung ở các cơ sở của chúng tại các nước. Điều này cũng đưa đến tình trạng lừa đảo trực tuyến diễn ra mạnh hơn.
“Công nghệ phát triển rất nhanh, mang lại cho chúng ta nhiều tiện ích. Cũng vì thế, những tiện ích, công nghệ hiện đại lại được các đối tượng lừa đảo tận dụng để tạo dựng các hệ thống lừa đảo nhanh hơn, hiệu quả hơn, giống thật hơn, và dẫn đến việc nhận diện chúng rất khó. Đó là một trong những lý do mà tại sao Bộ TT&TT, Cục An toàn thông tin vừa phát động chiến dịch nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”, ông Hưng nói.
Ông Hưng cho rằng, ngoài việc xử lý về mặt công nghệ, xử lý về gốc của lừa đảo trực tuyến, thì phải thúc đẩy tuyên truyền về các hình thức lừa đảo trực tuyến đang phổ biến đến được với càng nhiều người càng tốt. Rõ ràng là, khi mỗi người dân, mỗi đối tượng yếu thế trong xã hội biết được đâu đó có những hình thức lừa đảo trực tuyến như vậy, thì họ cũng có sự cảnh giác hơn và qua đó giúp các vụ lừa đảo trực tuyến sẽ giảm trong thời gian tới.
“Chúng tôi rất mong muốn các cơ quan truyền thông báo chí phối hợp cùng Cục An toàn thông tin để làm sao, khi có bất kỳ hình thức lừa đảo mới, hay phương thức mới, hay chiến dịch lừa đảo trực tuyến mới thì hãy chung tay cùng chúng tôi để lan tỏa những thông tin này một cách nhanh nhất, sớm nhất đến người dân. Chúng ta cũng biết trước hành vi này để xử lý. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất mong muốn những người dân, những người tham gia không gian mạng, khi có bất kỳ thông tin nào về lừa đảo trực tuyến thì hãy mạnh dạn thông tin đến các cơ quan chức năng, như cơ quan công an nơi gần nhất, hay các hệ thống tiếp nhận thông tin phản ánh mà Bộ TT&TT đang vận hành như Cổng không gian mạng quốc gia, Tổng đài 156 hay 5656, giúp chúng tôi biết được thông tin về các vụ lừa đảo trực tuyến một cách sớm nhất, nhanh nhất để từ đó có biện pháp xử lý, giảm thiểu tình trạng lừa đảo trực tuyến”, ông Hưng nhấn mạnh.
Bài 5: Thao túng tâm lý, thủ đoạn kinh điển của những kẻ lừa đảo