BPO – Lừa đảo trên không gian mạng được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi. Các đối tượng tận dụng những tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra các hệ thống lừa đảo giống như thật khiến nạn nhân khó nhận diện. Điều này đặt ra nhiều vấn đề cho ngành chức năng trong việc ngăn chặn, xử lý, nâng cao ý thức cảnh giác để người dân không rơi vào “bẫy” của tội phạm công nghệ cao.
Bài cuối:
ÐỂ KHÔNG TRỞ THÀNH “MIẾNG MỒI”
Lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thực trạng chưa bao giờ hết “nóng”. Mặc dù đã cảnh báo nhiều nhưng vẫn có không ít người chưa tiếp cận được các thông tin cảnh báo hoặc biết nhưng vẫn thờ ơ, mất cảnh giác khiến tội phạm công nghệ cao còn đất “diễn”.
Các siêu lừa “sa lưới”
Bằng nhiều thủ đoạn, chiêu thức lừa đảo, các đối tượng phạm tội hoạt động có tổ chức và chuẩn bị rất nhiều kịch bản, bị hại dù cảnh giác nhưng vẫn bị lừa. Mới đây, đối tượng Nguyễn Thu Hương (32 tuổi), hộ khẩu tỉnh Nam Định, sinh sống và làm việc ở Vương quốc Campuchia đã bị lực lượng công an Bình Phước bắt giữ. Hương khai nhận tham gia công ty lừa đảo để lôi kéo người dân trong nước, số tiền chiếm đoạt ban đầu xác định là 1,6 tỷ đồng.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh đã triệt phá và bắt giữ đối tượng Nguyễn Thu Hương tham gia đường dây lừa đảo trên không gian mạng, số tiền chiếm đoạt ban đầu xác định là 1,6 tỷ đồng – Ảnh: Minh Chính
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh đã triệt phá và bắt giữ 2 đối tượng là Nguyễn Đức Thủy, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị và Nguyễn Xuân Quý, xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế sử dụng mạng xã hội chiếm quyền điều hành khoảng 300 tài khoản facebook để lừa đảo chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, phòng cũng đã phát hiện, phối hợp các đơn vị nghiệp vụ và công an các huyện, thị xã, thành phố đấu tranh triệt phá 5 vụ án và 1 chuyên án, bắt giữ 32 đối tượng tham gia đánh bạc trên không gian mạng. Cùng với đó đã làm rõ 11 vụ/28 đối tượng sử dụng công nghệ cao hoạt động phạm tội trên không gian mạng…
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh đã triệt phá và bắt giữ nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội chiếm quyền điều hành khoảng 300 tài khoản Facebook để lừa đảo chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng – Ảnh: Minh Chính
Trung tá Nguyễn Minh Hiếu, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cho biết: Những vụ lừa đảo trên mạng đều có điểm chung là các đối tượng người nước ngoài câu kết với một số đối tượng người Việt Nam. Chúng sử dụng tài khoản ngân hàng ảo, lập trang web, app, tài khoản mạng xã hội để nhử “con mồi cắn câu”. Lợi nhuận từ hoạt động lừa đảo trên không gian mạng kếch xù. Đây chỉ là số ít các vụ lừa đảo bị “sa lưới” vì quá trình điều tra gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới. Không gian mạng là không biên giới và có tính ẩn danh cao, liên quan đến sự quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước dẫn đến công tác xác định, truy vết đối tượng rất khó khăn.
Đặc biệt, thời gian gần đây, tội phạm mạng xã hội dùng thủ đoạn ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Deepfake để giả giọng nói, giả hình ảnh, video để lừa đảo chuyển tiền, vay tiền… Deepfake là công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo ra sản phẩm âm thanh, sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến. Các video hình ảnh Deepfake giống như thật, khó có thể phát hiện bằng mắt thường. Vì vậy, người dùng mạng xã hội cần nhận diện, cẩn thận xác minh thông tin trước khi làm theo yêu cầu.
Trung tá Nguyễn Minh Hiếu nhấn mạnh: Quá trình tiếp nhận giải quyết các tin báo, tố giác của người dân, Công an tỉnh đã phối hợp các ngân hàng kịp thời phong tỏa, thu hồi tài sản cho bị hại hơn 1 tỷ đồng; làm việc với các nhà mạng xóa sim rác, tài khoản ngân hàng rác. Mọi thông tin trên không gian mạng đều có thể làm giả, từ trang web, ứng dụng, mạng xã hội Facebook, Zalo cho đến cuộc gọi video, người dân cần tích cực theo dõi, cập nhật các thông tin khuyến cáo về tội phạm lừa đảo trên không gian mạng để biết và phòng tránh.
Bài học đắt giá
Dù đã có nhiều bài học nhưng trước những món lợi khủng đã khiến nhiều người sập bẫy. Vì nhiều lý do khác nhau, phần đông bị hại thường im lặng che giấu thông tin nên hậu quả để lại ngày càng nghiêm trọng. Như đã phản ánh ở số báo trước, chị N.T.L, ngụ ấp 6, xã Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài đã tỉnh táo để dừng lại kịp thời, quá trình đầu tư chị cũng lấy lại được một phần tiền vốn. Tuy nhiên, với khoản tiền vay mượn quá lớn lại không có công việc ổn định, không biết đến bao giờ chị L mới trả hết các khoản nợ. Sau khi trình báo công an, đối tượng trong đường dây lừa đảo chị L cũng đã bị Công an tỉnh bắt giữ, nhưng để lấy lại số tiền chúng đã chiếm đoạt là rất khó.
Chị N.T.L, ấp 6, xã Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài tìm đến công an trình báo sự việc với mong muốn lấy lại phần nào những gì đã mất
Sự việc của tôi là bài học đắt giá, dù đã kiểm tra bằng nhiều cách, thế nhưng đối tượng quá tinh vi nên khó tránh khỏi kế hoạch hoàn hảo chúng đã lập sẵn. Vì vậy, khi đã tham gia mạng xã hội, mọi người cần trang bị kiến thức, theo dõi, cập nhật những phương thức lừa đảo mới để phòng tránh và phải luôn tỉnh táo, không nhẹ dạ cả tin trước những chiêu lừa tinh vi. |
Chị N.T.L, ấp 6, xã Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài |
Tìm đến công an với mong muốn lấy lại phần nào tài sản đã mất. Thế nhưng hy vọng lấy lại số tiền hàng chục tỷ đồng đã chuyển cho những kẻ lừa đảo khó như “bắc thang lên trời”. Gặp chúng tôi tại cơ quan công an, ông N.Đ.C, ngụ ấp 3, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú không ngần ngại chia sẻ câu chuyện của mình để nhiều người biết và cảnh tỉnh. “Dù hơn 20 tỷ đồng chuyển cho các đối tượng lừa đảo rất khó lấy lại, nhưng khi sự việc vỡ lở, gia đình và những người mà tôi đã vay mượn đều cảm thông, gia hạn thời gian trả nợ, vì vậy tôi đã dần vượt qua mặc cảm. Cảnh giác – bài học không bao giờ thừa để không có thêm những nạn nhân bị lừa đảo bởi tội phạm công nghệ giống như tôi” – ông C chia sẻ.
Từ các vụ việc người dân trình báo cho thấy, phần lớn các đối tượng lừa đảo đánh vào tâm lý cả tin, hám lợi của nạn nhân vì những khoản tiền hứa hẹn và lợi lộc có được từ “bẫy” mà chúng đặt ra. Vì vậy, nếu không thận trọng, không cảnh giác, không có đủ hiểu biết và không tỉnh táo với các chiêu trò, mánh khóe mời gọi, dẫn dụ của tội phạm công nghệ thì sẽ rất dễ sập bẫy.
Ở các vụ án, đối tượng lừa đảo chủ yếu là người nước ngoài, thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân và phương thức, thủ đoạn lừa đảo khiến lực lượng công an khó khăn trong xác định, truy vết đối tượng
Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh, người dân nên thường xuyên truy cập fanpage của PA05 Công an tỉnh theo địa chỉ: “LL ANM và PCTPSDCNC CATBP”, “CATBP” và fanpage của công an các xã, phường, thị trấn để cập nhật thêm nhiều thông tin về thủ đoạn, phương thức hoạt động của các loại tội phạm trên không gian mạng.
Để tránh “sập bẫy” của tội phạm công nghệ cao, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh khuyến cáo người dân phải thực sự cảnh giác trước các thông tin từ người lạ gửi đến. Đặc biệt, không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ khi chưa xác minh rõ họ là ai, làm gì, ở đâu. Trong trường hợp phát hiện đối tượng có dấu hiệu lừa đảo phải bình tĩnh, lưu giữ lại những thông tin liên quan; tuyệt đối không tiếp tục chuyển tiền và kịp thời báo ngay cho cơ quan công an để xác minh.
Qua những vụ việc đã xảy ra cho thấy, hơn ai hết, mỗi cá nhân phải tự bảo vệ mình và tài sản của bản thân trước khi quá muộn. Mỗi người khi tham gia các hoạt động trên môi trường số cần trang bị kiến thức, kỹ năng và đặc biệt phải luôn tỉnh táo trước những lời mời chào, chiêu thức lừa đảo tinh vi, xảo quyệt của tội phạm công nghệ cao. Hy vọng, những vụ việc vừa phản ánh thêm một lần nữa là bài học quý giá để không ai tiếp tục trở thành “miếng mồi” của tội phạm công nghệ.