Mưa vừa, mưa to đến rất to cho khu vực
Trong cao điểm mùa mưa các tháng 7 – 8 – 9 có diễn biến như sau: tháng 7 gió mùa tây nam hoạt động mạnh và sẽ có nhiều đợt mưa diện rộng với mưa vừa, mưa to đến rất to ở một vài nơi và kéo dài trong nhiều ngày. Đề phòng khả năng xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh trong những cơn mưa dông.
Tháng 8 từ giữa đến cuối tháng khả năng sẽ có một đợt giảm mưa trong mùa mưa. Tháng 9 có vài đợt gió tây nam mạnh gây mưa trên diện rộng với mưa vừa, mưa to đến rất to kéo dài một vài ngày.
Tuy được dự báo năm nay bão, áp thấp nhiệt đới sẽ xuất hiện nhiều nhưng ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực biển hoặc đất liền Nam Bộ.
Tuy nhiên, các hình thái này sẽ là nguyên nhân gây gió tây nam mạnh dẫn tới mưa dông diện rộng với lượng mưa vừa, mưa to đến rất to cho khu vực. Cần đề phòng dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật xuất hiện nhiều với cường độ mạnh. Đồng thời chú ý những đợt gió mùa tây nam mạnh gây thời tiết nguy hiểm trên biển.
Về câu hỏi mưa do bão, áp thấp nhiệt đới gây ra có giúp lượng nước sông Mekong nhiều hơn hay không, rất khó nhận định. Theo lẽ tự nhiên, mưa nhiều thì nước nhiều nhưng dòng chảy sông Mekong hiện tại không còn thuận tự nhiên mà phụ thuộc vào sự điều tiết của các quốc gia dọc theo dòng.
Lũ cao hơn trung bình nhiều năm
Theo ông Quyết, trong hai tháng qua mực nước các trạm trên dòng chính sông Mekong lên nhanh. Mực nước tại trạm Kratie ở mức xấp xỉ so với năm 2023 và thấp hơn trung bình nhiều năm. Tổng lượng dòng chảy qua trạm Kratie trong tháng 4 và 5 lớn hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 1,2% nhưng lại thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 11%.
Vùng đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước tại các trạm Tân Châu, Châu Đốc bắt đầu tăng chậm từ tháng 5. Tại hầu hết các trạm khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên và vùng Đồng Tháp Mười đều cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn so với trung bình nhiều năm. Trong ba tháng tới, mực nước tại các trạm vùng đầu nguồn sông Cửu Long, nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên sẽ lên nhanh.
Trong tháng 10, lũ tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng đạt đỉnh, sau đó xuống dần. Từ giữa tháng 11 đến cuối tháng 12, mực nước tại các trạm sẽ xuống nhanh và chuyển sang chế độ triều.
Theo dự báo, gió mùa tây nam duy trì hoạt động trên biển Nam Bộ trong tháng 10, cường độ gió suy yếu dần và chuyển sang gió mùa đông bắc vào khoảng đầu tháng 11. Thời điểm này gió có thể làm triều cường cao hơn gây ngập vùng bên trong nội đồng.
Ngoài ra, trong khoảng thời gian này khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh từ phía Bắc sẽ gây gió mạnh, sóng lớn và nước dâng trên vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu đến Cà Mau. Biển động mạnh gây nguy hiểm cho tàu thuyền và các công trình biển, ven biển.
Ảnh hưởng của bão cũng nhiều nguy cơ
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kiên Giang đã có báo cáo đánh giá tình hình thiên tai và nhận định xu thế thiên tai từ nay đến cuối năm 2024: dự báo mưa lớn có xu thế xuất hiện muộn hơn trung bình nhiều năm.
Lưu ý sẽ có những đợt mưa lớn diện rộng gây ngập úng cục bộ một số khu vực trũng thấp, ngập trong đô thị đối với Rạch Giá và Phú Quốc.
Ngoài ra, cần lưu ý đề phòng các đợt gió mạnh và sóng lớn trên biển do ảnh hưởng của hoàn lưu xa các cơn bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa tây nam mạnh làm gián đoạn hoạt động của tàu thuyền. Cần đề phòng hiện tượng nước dâng cao do gió mạnh kết hợp với triều cường gây ngập khu vực hạ lưu sông Cái Lớn, Cái Bé, kênh Cán Gáo – Xẻo Rô và vùng ven biển An Biên, An Minh.
Ông Trương Hoàng Giang – giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Vĩnh Long – nhận định tình hình thời tiếp sắp tới có khả năng tác động đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng, các hoạt động kinh tế – xã hội.
Dông, sét, lốc, mưa đá, gió giật mạnh và mưa lớn ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho tính mạng con người, tài sản.
Nguồn: https://tuoitre.vn/lu-o-dong-bang-song-cuu-long-nay-se-khac-20240627075456893.htm