Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank) giảm từ 1,46% hồi đầu năm, xuống còn 1,34% vào cuối năm 2023. Con số này giúp LPBank hiện lọt top các ngân hàng có nợ xấu thấp nhất toàn ngành.
Trong năm 2023 vừa qua, LPBank báo lãi tăng 24% so với năm 2022. Nguồn: ITN
Gặt hái nhiều thành tựu khả quan
Hội đồng Quản trị LPBank vừa phê duyệt kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay vào tháng 4.2024. Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông, nhóm cổ đông đề cử ứng viên bầu bổ sung thành viên hội đồng quản trị nhiệm kỳ IV và tham dự họp Đại hội cổ đông thường niên là ngày 15.2 sắp tới.
LPBank công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2023 với lợi nhuận trước thuế 7.040 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2022 và hoàn thành 117% kế hoạch đã đề ra. Trong đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 9.865 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của LPBank ước đạt 19,16%.
Đáng chú ý, tính riêng quý IV.2023, là quý kinh doanh tăng trưởng đầy ấn tượng của LPBank trong hoạt động kinh doanh cốt lõi. LPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 3.352 tỷ đồng, tăng đột biến 286% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của LPBank đạt 382.863 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 17%, đạt 275.430 tỷ đồng; và tiền gửi khách hàng tăng 10%, đạt 237.391 tỷ đồng.
Cũng trong quý IV.2023, nhiều mảng thu nhập ngoài lãi cũng ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ. Hoạt động dịch vụ của LPBank đem về 2.926 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3,3 lần so với cùng kỳ (882 tỷ đồng). Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng cũng đem về 65,7 tỷ đồng cho LPBank, trong khi đó con số này ở cùng kỳ năm trước ghi nhận mức lỗ 14,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí hoạt động cũng tăng 5,84% so với cùng kỳ, ghi nhận ở mức 1.594 tỷ đồng. Trong quý IV.2023, LPBank cũng tăng 18,15% trích lập dự phòng rủi ro tín dụng so với cùng kỳ năm 2022, ghi nhận ở mức 1.543 tỷ đồng.
Quyết liệt xử lý nợ xấu
Về chất lượng tài sản, đại diện LPBank cho biết, tại thời điểm cuối năm 2023, tổng nợ xấu của LPBank đang ở mức 3.688 tỷ đồng, tăng 7,64% so với đầu năm 2023. LPBank đã quyết liệt xử lý nợ xấu và bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) của LPBank vào cuối năm 2023 đã giảm 24% so với thời điểm đầu năm, còn 812 tỷ đồng; đồng thời, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm 13,5%, còn 1.169 tỷ đồng.
Mặc dù tổng nợ xấu tăng lên, tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của LPBank lại giảm từ 1,46% hồi đầu năm, xuống còn 1,34% vào cuối năm 2023, đây cũng là tỷ lệ nợ xấu tương đối thấp so với trung bình ngành.
Tỷ lệ nợ xấu này giúp LPBank hiện thuộc top các ngân hàng có nợ xấu thấp nhất toàn ngành. Bên cạnh đó, LPBank cũng không chịu ảnh hưởng từ trái phiếu doanh nghiệp nhờ chiến lược đẩy mạnh mảng cho vay bán lẻ và khai thác khách hàng khu vực nông thôn.
Ngoài ra, tại thời điểm cuối quý III.2023, tổng nợ xấu của LPBank ghi nhận ở mức 7.367 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 2,79%. Tuy nhiên, đến quý IV.2023, tổng nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu của LPBank đã thay đổi theo chiều hướng đi xuống, đáng kinh ngạc, tạo nên một bức tranh tài chính khỏe khoắn, sáng màu của LPBank.
Bên cạnh đó, trước sự lo ngại của các nhà đầu tư về việc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) thoái vốn sẽ gây ảnh hưởng đến triển vọng kinh doanh của LPBank, một số tổ chức tài chính đã đánh giá việc thoái vốn trên không gây ảnh hưởng đến triển vọng dài hạn của ngân hàng này.
Đồng thời, LPBank vẫn sẽ có sự hỗ trợ của VNPost, như truy cập về cơ sở dữ liệu khách hàng, để theo đuổi chiến lược cho vay bán lẻ đối với khách hàng hưu trí và người dân vùng nông thôn do hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác 50 năm. Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 30.1, thị giá cổ phiếu LPB đạt 17.750 đồng/cổ phiếu.