Huyện Cư Jút, Đắk Nông có lớp Kỹ thuật chăm sóc cây trồng, hi vọng làm thay đổi thói quen canh tác, giúp con em nông dân, dân tộc thiếu số ứng dụng kỹ thuật mới, nâng cao năng suất cây trồng.
Theo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cư Jút tỉnh Đắk Nông, mỗi năm đã tổ chức khoảng 13 – 17 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có khoảng 50% là các lớp đào tạo nghề nông nghiệp.
Thông qua các khóa đào tạo nghề dưới 3 tháng hoặc sơ cấp, học viên được trang bị những kiến thức cơ bản về sản xuất, bảo quản, thu hoạch và chế biến sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Trong quá trình đào tạo, trung tâm còn hỗ trợ, liên kết với các đơn vị cung ứng giống, tiêu thụ sản phẩm để tạo điều kiện cho các học viên tự tin sản xuất.
Trung tâm phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức giới thiệu việc làm, tạo cơ hội để học viên tiếp cận với các thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.
Cô giáo Dương Thị Kim Lợi, người đã có hơn 10 năm gắn bó với các lớp đào tạo nghề của huyện Cư Jút không giấu được niềm vui khi thấy các học viên hào hứng, nhiệt tình khi tham gia lớp học.
Nữ giáo viên cho biết, tất cả học viên trong lớp đều là nông dân, trong đó có nhiều học viên là người dân tộc thiểu số. Trước đây, các học viên sản xuất nông nghiệp theo kinh nghiệm cá nhân hoặc học hỏi, chia sẻ lẫn nhau.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Cư Jút tỉnh Đắk Nông, đang góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao sức cạnh tranh khi tham gia thị trường lao động.
Thực tế lớp học, càng về chiều không khí học tập của lớp nghề Kỹ thuật chăm sóc cây trồng do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cư Jút tổ chức càng sôi nổi.
Các học viên được trực tiếp thực hành trên cây trồng, nhờ vậy mà kiến thức được tiếp thu sinh động, trực quan và thực tế.
“Khác với các lớp học bình thường, giáo án của tôi là những cành cây, bầu giống hoặc thậm chí là một số loại côn trùng gây hại cho cây trồng. Học viên đến lớp, ngoài mang theo vở và bút để ghi chép thì dụng cụ không thể thiếu là dao, kéo cắt cành, túi ni lông…
Đây đều là những dụng cụ sản xuất hàng ngày của học viên, giúp buổi học thêm gần gũi, trực quan hơn”, giáo viên Dương Thị Kim Lợi giới thiệu.
Anh Chu Văn Hiệp, thôn 4, xã Đắk Drông cho hay, sau khi tham gia lớp học, anh và hơn 30 học viên khác đã biết cách chăm sóc hồ tiêu, cà phê sao cho hiệu quả.
Ngoài những kiến thức về phòng, chống bệnh, thu hái, bảo quản, các học viên còn được tiếp cận với phương pháp sản xuất hồ tiêu, cà phê hữu cơ, chế biến tiêu hoặc phương pháp chiết, ghép, lai tạo giống…
“Các kiến thức được giáo viên truyền tải rất dễ hiểu, chúng tôi có thể ứng dụng ngay vào vườn sản xuất của gia đình. Bản thân tôi mong muốn, sắp tới sẽ có thêm các lớp học nghề để bà con Nhân dân trong xã có điều kiện theo học”, anh Hiệp bày tỏ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút Ông Vũ Văn Bính cho biết, các lớp đào tạo nghề và giới thiệu việc làm đã trở thành “cầu nối” để bà con nông dân địa phương kết nối phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trên cơ sở nhu cầu thực tế, địa phương tiếp tục xây dựng phương án, tổ chức lớp đào tạo nghề trong năm 2025. Thông các lớp đào tạo nâng cao tỷ lệ người lao động đã qua đào tạo, tăng sức cạnh tranh của lao động huyện Cư Jút khi tham gia thị trường lao động.
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/lop-nghe-dac-biet-giup-con-em-dan-toc-thieu-so-cham-soc-cay-trong-20241114122657507.htm