Vì sao cần xem xét kỹ?
Trong bối cảnh mỗi năm TP.HCM tăng trung bình từ 20.000-40.000 học sinh, việc đảm bảo có đủ chỗ học để đáp ứng nhu cầu là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên, những khó khăn đặc biệt về diện tích đất xây dựng cũng như Thông tư 13 của Bộ GD-ĐT không phù hợp với thực tế tại TP.HCM đã tạo nên áp lực thiếu trường lớp, buộc các cấp lãnh đạo phải lên phương án giải quyết ngắn hạn.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi mới đây cho biết thành phố sẽ tính đến phương án xây dựng trường “dã chiến” tại một số khu vực đông dân cư. Các trường “dã chiến” sẽ hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định từ 5 đến 10 năm đến khi hết nhu cầu. Tuy gọi là “dã chiến” nhưng chất lượng phải tốt, đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu dạy và học trước khi có trường mới, ông Mãi khẳng định.
Trước đó, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp, nêu thực tế nhiều trường tại quận này đã áp dụng mô hình lớp học “động” để giải quyết tạm thời tình trạng thiếu phòng. Cụ thể, trong những tiết thể dục, tin học… học sinh sẽ di chuyển đến phòng học chuyên môn, để trống phòng học bình thường. Từ đây, học sinh lớp khác sẽ được điều động qua học trong phòng đang trống.
Mô hình như lớp học “động” hay trường học “dã chiến” được cho là các giải pháp tạm thời, khả thi, với đặc điểm tận dụng không gian trống để giảm áp lực thiếu trường lớp tại TP.HCM. Tuy nhiên, nhà quản lý phải xem xét kỹ lưỡng để loại trừ các yếu tố rủi ro, theo tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, chuyên ngành quản lý giáo dục tại ĐH Hertfordshire (Anh), hiện là Giám đốc Tổ chức giáo dục hướng nghiệp quốc tế Mr.Q.
Cụ thể, lớp học “động” có thể linh hoạt phân bổ học sinh, nhưng giáo viên cần quan tâm đến công tác điều phối học sinh giữa các lớp để đảm bảo các em không bị gián đoạn quá nhiều. Mặt khác, việc cải tạo không gian để làm trường “dã chiến” phải cam kết không được phép ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, cũng như đảm bảo an toàn lẫn sức khỏe cho cả thầy và trò.
Xa hơn nữa, để các mô hình giải quyết áp lực trường lớp thật sự hiệu quả, ông Quang cho rằng có nhiều nhóm yếu tố cần quan tâm. Chẳng hạn, phải đầu tư vào đào tạo và phát triển giáo viên để chắc chắn thầy cô có khả năng tham gia, vận hành mô hình. “Ngoài ra, cần thường xuyên theo dõi và đánh giá hiệu suất của các mô hình trong quá trình vận hành để điều chỉnh, cải thiện kịp thời”, chuyên gia giáo dục nhận định.
Bên cạnh các mô hình ngắn hạn như trên, tiến sĩ Quang cho rằng cần có nhiều giải pháp dài hạn nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu trường lớp tại TP.HCM, với sự tham gia từ đa bên. Trước nhất, ngành giáo dục cần có thêm biện pháp tối ưu hóa việc sử dụng các tài nguyên sẵn có như phòng học trống, đồng thời tăng cường đầu tư ngân sách vào hạ tầng để tăng thêm phòng học, như xây trường mới hoặc cải tạo trường cũ.
Một khía cạnh khác được ông Quang đề cập là áp dụng công nghệ trong giáo dục, như hỗ trợ giảng dạy từ xa hoặc tạo ra các lớp học ảo (virtual class) khi cần thiết. Đồng thời, nhà quản lý cũng cần hỗ trợ các dự án nghiên cứu và đổi mới trong giáo dục để tạo ra những cải tiến bền vững.
“Ngành giáo dục cũng cần hợp tác với các tổ chức xã hội và doanh nghiệp từ lĩnh vực khác để hỗ trợ xây dựng, duy trì trường học”, tiến sĩ Quang nêu quan điểm.
Bài học từ các quốc gia
Theo ông Quang, áp lực thiếu trường lớp không chỉ là câu chuyện của riêng TP.HCM, mà cũng diễn ra phổ biến tại một số quốc gia phát triển như Mỹ, Phần Lan, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Cách giải quyết vấn đề này của các nước có thể là bài học kinh nghiệm để ngành giáo dục TP.HCM tham khảo, phát huy trong kế hoạch phát triển tổng thể.
Chẳng hạn, Phần Lan đã thành công trong việc giảm áp lực thiếu trường lớp bằng cách áp dụng hệ thống “trường học có cấu trúc đánh bại”, thường được gọi là “Phần Lan Peruskoulu”, dành cho học sinh độ tuổi từ 7 đến 16. Đây là hệ thống cho phép nhà quản lý giáo dục sử dụng cùng một tòa nhà cho nhiều mục đích, bao gồm cả giáo dục cơ bản và giáo dục trung học, từ đó tối ưu hóa việc sử dụng không gian.
Tại Mỹ, nhiều học khu đã triển khai các lớp học theo mô hình tạm thời, tức sử dụng văn phòng của doanh nghiệp hoặc không gian khác để đáp ứng nhu cầu dạy và học. Mô hình này có phần tương tự phương án trường “dã chiến” của TP.HCM. “Ngoài ra, ngành giáo dục nước này cũng mở rộng giờ học để linh hoạt sử dụng các trường học hiện có”, tiến sĩ Quang thông tin.
Lớp học ảo kết hợp thời khóa biểu linh hoạt để học sinh học tập từ xa (distance learning) là lựa chọn của Hàn Quốc nhằm giảm áp lực thiếu trường lớp. Trong khi đó, Nhật Bản tận dụng các khu vực nông thôn, ngoại ô để xây trường học tạm thời, đảm bảo cung cấp giáo dục phổ thông cho tất cả học sinh trước khi có trường mới khang trang, chuyên gia giáo dục cho hay.
Trước đó, trong kế hoạch về xây dựng trường lớp, TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành xây mới 4.500 phòng học đến năm 2025, tăng 3.537 phòng học so với hiện tại. Riêng năm học 2023-2024, thành phố đưa vào sử dụng 48 trường học, với tổng số phòng học xây mới là 512, tăng 367 phòng so với trước đó. Các trường học mới được đưa vào sử dụng tập trung ở các quận 5, 10, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn và TP.Thủ Đức.