STO – Không được đào tạo qua bất kỳ trường lớp sư phạm nào, chưa một lần được đứng trên bục giảng theo đúng nghĩa, nhưng hơn 2 năm qua, chàng trai Thạch Kên ở ấp An Phú, thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã thực sự trở thành “thầy giáo” của những đứa trẻ và người già từ lớp học song ngữ Việt – Khmer mà chính anh tự mở.
Đều đặn mỗi buổi chiều tại nhà của anh Thạch Kên lại vang lên những tiếng đọc bài song ngữ Việt – Khmer của các em nhỏ. Hơn 2 năm qua, anh luôn duy trì lớp từ 5 giờ rưỡi chiều đến 9 giờ tối từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần. Học sinh theo học tại đây là con em của người lao động nghèo, những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trong khu dân cư. Có lẽ, đây là một lớp học đặc biệt bởi người dạy không phải là thầy giáo “chính hiệu” còn người học cũng không phải học theo chương trình giáo dục ở trường quy định mà chỉ đơn thuần là học để biết, hiểu, nói được tiếng Việt và tiếng Khmer.
Anh Thạch Kên chia sẻ: “Ấp An Phú có nhiều bà con Khmer sinh sống, phần đông không rành tiếng Việt. Còn các em Khmer ở trường chủ yếu học tiếng Việt, nên các em biết giao tiếp chứ chữ Khmer thì còn hạn chế”. Cũng là người Khmer, với trình độ tốt nghiệp tại Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ, anh Kên mở lớp học tại nhà để dạy chữ Việt và chữ Khmer miễn phí cho các em trong xóm.
Anh Thạch Kên và lớp học song ngữ Việt – Khmer do chính mình mở. Ảnh: BÍCH PHƯỢNG
Những ngày mới thành lập lớp, do chỉ được học hết chương trình cấp 3 nên anh Kên cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Để có thể soạn bài giảng và truyền đạt kiến thức cho các em chính xác nhất, anh chủ động học hỏi thêm kiến thức trên internet thông qua các diễn đàn dạy học để tìm ra phương pháp giảng dạy tốt nhất cho các em. Trong quá trình giảng bài, “thầy giáo” Kên luôn pha trò, tìm những ví dụ thực tế dễ hiểu cho bài giảng của mình. Đặc biệt, ngoài dạy kiến thức, anh còn dành thời gian để dạy các em kỹ năng giao tiếp. Do vậy, các em học tại đây đều rất ngoan ngoãn, lễ phép.
Đến cuối mỗi khóa học, anh đều cho các em kiểm tra, em nào đạt yêu cầu thì sẽ học tiếp chương trình nâng cao và có những phần thưởng khích lệ. Các em không chỉ học tiếng, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hóa của dân tộc Khmer, mà còn được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí. Thỉnh thoảng, sau giờ học, cả lớp lại vang tiếng cười cùng những bữa ăn do chính vợ anh Kên chuẩn bị. Em Thạch Hoàng Phúc, ở thị trấn Kế Sách là một trong những em nhỏ theo học lớp học đặc biệt này chia sẻ: “Em là người Khmer nhưng để đọc và viết thì em không biết, chỉ biết nói thôi. Nhờ đi học lớp này, giờ em đã biết đọc chữ Khmer”.
Không chỉ mở lớp dạy học cho trẻ em mà anh Kên còn phổ cập cho những người lớn tuổi trong xóm để hiểu và thông thạo thêm chữ Việt – Khmer. Cứ tưởng khi có tuổi, các cô, bà sẽ ngại ngùng trong chuyện học hành, thế nhưng khi được anh Kên vận động, hầu hết mọi người đều tham gia đầy đủ các buổi học. Hỏi về lớp học này, chị Thạch Thị Ni vui vẻ cho biết: “Lúc nhỏ, gia đình nghèo nên không có điều kiện đi học, chỉ học hết lớp 2. Thêm nữa là chị lại không rành tiếng Việt. Được anh Kên dạy cho tiếng Việt mừng dữ lắm. Giờ nói rành tiếng Việt luôn”.
Lúc đầu, anh Kên làm thuê cho các công trình xây dựng. Dần dà học hỏi được kinh nghiệm, anh cùng với một số anh em trong xóm lãnh làm nhà và công trình nhỏ… Sau nhiều năm, anh đã có điều kiện mở rộng quy mô, thuê mướn thêm nhiều lao động để nhận thêm nhiều công trình hơn. Ngoài ra, anh còn đầu tư mua thêm máy cắt lúa làm dịch vụ. Khi cuộc sống đã vững vàng, anh dành thời gian, công sức quan tâm giúp bà con xung quanh. Vì thế cứ mỗi chiều sau khi tan làm, anh lại vội vã trở về nhà tất bật chuẩn bị lên lớp để dạy kèm miễn phí cho những đứa trẻ, bà con tại địa phương…
Hơn 2 năm qua, đã có hàng trăm em theo học tại lớp học đặc biệt của “thầy” Kên đều tiến bộ rõ rệt. Các em dân tộc Khmer hiểu và thông thạo tiếng Việt, còn các em người Việt cũng đã hiểu văn hóa, tiếng nói của đồng bào Khmer. Nhiều bà con Khmer đi đám tiệc, hội họp, chợ búa đã giao tiếp bằng tiếng Việt. Việc duy trì lớp học, mang cái chữ đến với trẻ em ở vùng nông thôn của anh Kên đã góp phần bảo tồn, gìn giữ tiếng mẹ đẻ và những giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo của dân tộc Khmer. Nhờ vậy, tinh thần học tập và ý thức của đồng bào Khmer trong việc tham gia giữ gìn chữ viết, bản sắc truyền thống dân tộc trên địa bàn ngày càng nâng cao. Từ đó góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, nhân lên lòng tự hào, tình đoàn kết các dân tộc.
BÍCH PHƯỢNG