Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, hình thế gây mưa giông ở khu vực TPHCM và Nam Bộ là do không khí lạnh có cường độ suy yếu chậm. Rãnh áp thấp xích đạo có trục khoảng 6-9 độ vĩ Bắc. Nhiễu động gió Đông trên cao tác động tốt đến thời tiết Nam Bộ.
Chiều nay (14/10), theo dõi trên ảnh mây vệ tinh, ảnh ra đa thời tiết và định vị sét cho thấy vùng mây giông đang phát triển và gây mưa kèm giông, sét trên khu vực Thành phố Thủ Đức.
Trong khoảng 0-3 giờ tới (tính từ 13h10 chiều 14/10), mây giông tiếp tục phát triển, gây mưa rào, kèm theo giông, sét cho các khu vực các quận huyện trên, sau mở rộng sang các khu vực lân cận khác như các quận trung tâm và phía bắc thành phố. Lượng mưa phổ biến từ 5-20mm, có nơi trên 20mm. Trong cơn giông đề phòng lốc, mưa đá và gió giật mạnh khoảng cấp 5-7 (8-17m/s), mưa lớn gây ngập úng cục bộ.
Cũng theo Đài khí tượng trên, kết hợp theo dõi trên ảnh mây vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh ra đa thời tiết cho thấy mây đối lưu đang tồn tại trên khu vực tỉnh Đồng Nai (Cẩm Mỹ); Bà Rịa-Vũng Tàu (Xuyên Mộc, tp.Bà Rịa, Châu Đức); TPHCM (TP Thủ Đức, Q.5); Long An (Châu Thành); Tiền Giang (Chợ Gạo, Gò Công Tây); Bến Tre (Bình Đại, Giồng Trôm, Ba Tri, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam); Cà Mau (Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân). Ngoài ra, cùng mây ven biển Cà Mau tiếp tục mở rộng thêm.
Trong khoảng từ nay đến 4 giờ tới (tính từ 13h15 chiều nay), các vùng mây đối lưu này sẽ gây mưa rào và giông cho khu vực nói trên, sau đó tiếp tục phát triển mở rộng gây mưa cho các huyện lân cận của các tỉnh trên và tỉnh lân cận thuộc Đài như Trà Vinh, Bình Phước… Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Ngoài ra, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng cho biết, chiều và đêm nay, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi và Nam Bộ có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm.
Miền Bắc sắp đón thêm nhiều đợt không khí lạnh
Không khí lạnh tiếp tục có xu hướng gia tăng về tần suất và cường độ trong 1 tháng tới. Đồng thời, bão/ATNĐ khả năng xuất hiện trên Biển Đông khoảng 2 cơn, trong đó có cơn đổ bộ đất liền.
La Nina xuất hiện, TPHCM có thể lạnh dưới 20 độ dịp cuối năm
La Nina xuất hiện trong tháng 10. Mùa mưa năm 2024 ở TPHCM khả năng kết thúc muộn hơn. Đặc biệt, tháng 11-12, không khí lạnh khuyếch tán mạnh về phía nam và có đợt giảm nhiệt dưới 20 độ.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/tphcm-va-nam-bo-mua-lon-xoi-xa-sam-set-vang-troi-2331754.html