UBND tỉnh tổ chức Chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với thanh niên năm 2024 với chủ đề “Cơ chế, chính sách giúp thanh niên phát huy toàn diện trong tham gia xây dựng, phát triển KT-XH”
Từ chính sách đến thành công
“Thanh niên (TN) là rường cột nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước” – bám sát phương châm này, những năm qua, tỉnh có nhiều đề án, chương trình, chính sách hỗ trợ TN phát triển KT-XH.
Để mở lối và tạo động lực cho đoàn viên (ĐV), TN tỉnh có điều kiện phát triển bản thân, từ năm 2021 đến nay, tỉnh liên tục tổ chức các buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với ĐVTN xoay quanh nhiều vấn đề khởi nghiệp, lập nghiệp; chăm lo, phát triển TN trong thời đại công nghệ số; phát triển nguồn nhân lực trẻ;… Từ thành công và hiệu quả mang lại, năm 2024, tỉnh tiếp tục tổ chức hoạt động này với chủ đề “Cơ chế, chính sách giúp TN phát huy toàn diện trong tham gia xây dựng, phát triển KT-XH”.
Để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của ĐVTN, Tỉnh Đoàn tuyên truyền rộng rãi về Nghị quyết số 98 của HĐND tỉnh, Luật TN năm 2020, các Chiến lược phát triển TN Việt Nam, tỉnh giai đoạn 2021-2030,… bằng các hình thức trực tiếp hoặc qua Internet.
Nổi bật nhất trong năm, Tỉnh Đoàn đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động của Đoàn. Từ đây, hàng loạt công trình, phần việc ý nghĩa như số hóa di tích lịch sử, thư viện số, tuyến phố không dùng tiền mặt,… được triển khai rộng khắp. Qua đó, toàn tỉnh có 70% thanh, thiếu nhi được tiếp cận các hoạt động nâng cao năng lực số do tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp triển khai, thực hiện. Có 40% TN sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hơn 50% TN sử dụng tài khoản thanh toán điện tử.
Đặc biệt, Tỉnh Đoàn từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững cho TN; phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao. Thời gian qua, các chương trình tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm được Tỉnh Đoàn chú trọng, phục vụ hơn 40.000 lượt học sinh cuối cấp tại các trường THCS, THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, các Huyện, Thị, Thành Đoàn phối hợp Trung tâm Dịch vụ Việc làm Long An tổ chức sàn giao dịch việc làm lưu động, thu hút gần 3.000 ĐVTN và người lao động tham gia. Những hoạt động này không chỉ tạo cơ hội việc làm mà còn góp phần xây dựng nguồn nhân lực trẻ vững mạnh cho địa phương.
Đáng chú ý, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh còn chủ động phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ nguồn vốn cho TN phát triển kinh tế từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm (vốn 120) và nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ triển khai thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội mà Đoàn TN tham gia quản lý hơn 820 tỉ đồng với hơn 350 tổ tiết kiệm và vay vốn, có hơn 15.600 hộ vay. Trong đó, Đoàn TN đang triển khai rất hiệu quả nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm với tổng nguồn vốn gần 220 tỉ đồng, hỗ trợ gần 4.000 lao động, chủ yếu là TN có vốn để sản xuất, kinh doanh, lập thân, lập nghiệp.
Với hơn 850 hoạt động đa dạng được tổ chức trong năm qua, Đoàn đã tạo ra một môi trường sôi động, giúp TN phát triển toàn diện. Từ các câu lạc bộ học thuật, sáng tạo đến các phong trào thi đua học tập, thể thao, văn nghệ, tất cả đều hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ của tỉnh.
Tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng thanh niên
Có thể thấy, công tác TN đạt nhiều thành tích đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn tồn tại một số hạn chế, thách thức đan xen như công tác tuyên truyền chưa thực sự đổi mới, nhất là trên mạng xã hội; công tác giáo dục đạo đức chưa toàn diện; các hoạt động dành cho TN chưa được đầu tư đầy đủ; công tác quy hoạch cán bộ còn nhiều khó khăn; việc bảo đảm an sinh xã hội và giới thiệu việc làm chưa hiệu quả;… Chính những điều này cũng là nỗi trăn trở, băn khoăn của các cấp bộ Đoàn và ĐVTN trong giai đoạn hiện nay.
Với chủ đề “Cơ chế, chính sách giúp TN phát huy toàn diện trong tham gia xây dựng, phát triển KT-XH”, tại chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với TN năm 2024, Bí thư Đoàn Trường THCS&THPT Lương Hòa (huyện Bến Lức) – Đường Phước Anh đặt câu hỏi về các giải pháp để định hướng tư tưởng chính trị, nâng cao “sức đề kháng” cho ĐVTN trước những thông tin sai lệch trên không gian mạng.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông – Hồ Văn Dân đã trả lời cụ thể. Ông cho biết, để nâng cao chất lượng định hướng tư tưởng chính trị, nâng cao “sức đề kháng” cho ĐVTN trước những thông tin sai lệch trên không gian mạng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục kỹ năng truyền thông số cho ĐVTN; các cấp bộ Đoàn thường xuyên nắm tư tưởng của ĐVTN trước các diễn biến phức tạp; ĐVTN phát huy vai trò chủ động, tự giác của mỗi cá nhân trong tu dưỡng và rèn luyện.
Hiện tỉnh đã, đang và tiếp tục triển khai nhiều biện pháp, giải pháp kỹ thuật để theo dõi thông tin trên mạng như sử dụng công cụ giám sát thông tin trên mạng do Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp; đưa vào vận hành Trung tâm điều hành an toàn an ninh mạng (SOC); chia sẻ công cụ giám sát thông tin mạng cho UBND cấp huyện để chủ động rà soát thông tin mạng của địa phương.
Còn Phó Bí thư Đoàn xã Vĩnh Bình (huyện Vĩnh Hưng) – Bùi Đức Tân quan tâm giải pháp hỗ trợ TN khởi nghiệp trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Nguyễn Thanh Truyền cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh chưa có chính sách riêng để hỗ trợ TN khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp mà thông qua Chương trình khởi nghiệp do Tỉnh Đoàn tổ chức hàng năm, ngành Nông nghiệp phổ biến các chính sách hiện có của ngành cho TN hiểu rõ, nếu thỏa điều kiện thì ngành Nông nghiệp sẽ đồng hành hỗ trợ.
Cụ thể, ngành Nông nghiệp có các chính sách như hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ tối đa 40% tổng kinh phí thực hiện nhưng không quá 300 triệu đồng/mô hình; mô hình tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh nông nghiệp được hỗ trợ tối đa 100% kinh phí thực hiện nhưng không quá 100 triệu đồng/mô hình;… Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Tỉnh Đoàn và Sở có ký kết liên tịch làm cơ sở cho Đoàn TN ở địa phương với các đơn vị chuyên môn của ngành Nông nghiệp nắm tâm tư, nguyện vọng, phối hợp tổ chức tập huấn chuyên môn cho lực lượng ĐVTN về kiến thức, kỹ thuật liên quan giống cây trồng, vật nuôi,…
Ngoài ra, tại chương trình, ĐVTN còn quan tâm các chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho TN trong giai đoạn hiện nay cũng như giải pháp phát triển ngành Du lịch tỉnh,…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Huỳnh Văn Sơn đề nghị các sở, ngành tỉnh tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho ĐVTN, tạo cơ chế thuận lợi cho ĐVTN phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện tham gia phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc; tạo mọi điều kiện thuận lợi để ĐVTN khởi nghiệp, lập nghiệp, được học tập, đào tạo tốt hơn; quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho ĐVTN./.
Hà Lan
Nguồn: https://baolongan.vn/thanh-nien-long-an-nam-bat-co-hoi-tan-dung-thoi-co-a186309.html