Tham vấn ý kiến về phương án đầu tư đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành
Liên danh tư vấn TEDI – TEDIS kiến nghị loại hình cho Dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành kết nối sân bay Long Thành với TP.HCM là tuyến đường sắt đô thị vận chuyển nhanh khối lượng lớn (MRT).
Bộ GTVT dự kiến trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành vào quý II/2025. |
Bộ GTVT vừa đề nghị UBND TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai và một số bộ, ngành liên quan tham gia ý kiến đối với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành.
Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị các bộ và UBND TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai nghiên cứu, tham gia ý kiến về nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành.
Các nội dung mà Bộ GTVT tham vấn ý kiến gồm: sự phù hợp của dự án với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; sự cần thiết đầu tư; sự phù hợp về mục tiêu, địa điểm, phạm vi, quy mô dự kiến; ý kiến thống nhất về hướng tuyến, vị trí và quy mô, diện tích các nhà ga, diện tích quỹ đất phát triển đô thị, công nghiệp liên quan đến các nhà ga (TOD); phương án kết nối các ga hành khách, hàng hóa, các điểm khống chế, các kết nối đầu mối vận tải; phương án tổng thể giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư…
Theo đề xuất của liên danh TEDI – TEDIS, Dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành sẽ là tuyến đường sắt đô thị vận chuyển nhanh khối lượng lớn (MRT); tốc độ thiết kế tối đa lựa chọn là 120 km/h trên chính tuyến (90 km/h trong hầm); tốc độ vận hành tối đa là 110 km/h trên chính tuyến (80 km/h trong hầm).
Tuyến bắt đầu từ ga Thủ Thiêm, đi song song về bên trái đường vành đai 3 TP.HCM, vượt sông Đồng Nai tại vị trí cách tim cầu Nhơn Trạch trên đường vành đai 3 (giai đoạn 1) khoảng 62,5 m về phía thượng lưu.
Sau khi vượt sông Đồng Nai, tuyến vẫn bám sát đường vành đai 3, đi bên trái của đường vành đai 3. Đến khu vực giao cắt với tỉnh lộ 25B, hướng tuyến rẽ trái và đi vào giải phân cách giữa tỉnh lộ 25B.
Tới địa phận xã Long An, huyện Long Thành, tuyến sẽ đi ngầm bám theo đường trục chính quy hoạch của xã.
Sau khi giao cắt khác mức Quốc lộ 51, tuyến sẽ đi cùng hành lang của đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đi vào giữa giải phân cách thuộc hành lang dành cho đường sắt dọc theo đường trục số 1 vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sau khi vào phạm vi Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tuyến sẽ phải vào depot đặt tại xã Cẩm Đường, huyện Long Thành.
Tính tổng cộng, Dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành có chiều dài 48,23 km, trong đó chiều dài đoạn đường dẫn vào depot Cẩm Đường là 4,4 km; chiều dài tuyến chính là 41,83 km, trong đó đoạn đi qua TP.HCM là 11,75 km, đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai là 30,84 km.
Toàn tuyến có 20 ga (bao gồm cả ga Thủ Thiêm) gồm 16 ga đi trên cao (ga S1 – Thủ Thiêm, fa S2 – Bình Trưng, ga S3 – Đỗ Xuân Hợp, ga S4 – Bà Hiện, ga S5 – Phú Hữu, ga S6 – Ông Nhiêu, ga S7 – Long Trường, ga S8 – Thiếc Dừa, ga S9 – Long Tân, ga S10 – Phú Thạnh, ga S11 – Tuy Hạ, ga S12 – Nhơn Trạch, ga S13 – Phú Hội, ga S14 – Phước Thiền, ga S16; 4 ga đi ngầm (ga S17, ga S18, ga S19 – Long Thành T1-2, ga S20 – Long Thành T3 -4).
Tuyến có 2 vị trí depot gồm: depot Cẩm Đường có diện tích khoảng 21,4 ga đặt tại khu vực xã Cẩm Đường, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; depot nhỏ Thủ Thiêm phục vụ đỗ tàu, trạm chỉnh bị sửa chữa nhỏ, vệ sinh tàu với diện tích 1,2 ha đặt cùng vị trí với ga Thủ Thiêm tại phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM.
Phương tiện sức kéo của tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành có tải trọng trục 16T, điện sức kéo 1500 VDC/tiếp điện trên cao; sử dụng đoàn tàu động lực phân tán (EMU).
Trong giai đoạn 2035 – 2045, tuyến sử dụng 9 đoàn tàu 4 toa; giai đoạn 2045 – 2055 sử dụng 28 đoàn tàu 4 toa và giai đoạn sau 2055 sử dụng 31 đoàn tàu 6 toa.
Tổng diện tích đất giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án là 140,11 ha, trong đó diện tích đất ở bị ảnh hưởng là 3,23 ha, diện tích đất quy hoạch giao thông là 71,05 ha, diện tích đất nông nghiệp rừng sản xuất là 27,2 ha và diện tích các loại đất khác là 38,63 ha. Số hộ dân bị ảnh hưởng là 302 nhà.
Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến (không bao gồm lãi vay) là 84.752 tỷ đồng, tương đương 3,454 tỷ USD, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư là 5.504 tỷ đồng.
Liên danh TEDI – TEDIS đề xuất sử dụng vốn ngân sách Nhà nước kết hợp với vốn hỗ trợ phát triển chính thức để đầu tư Dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành.
Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, Dự án tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành sẽ tổ chức triển khai xây dựng từ quý 4/2026 đến năm 2029; tổ chức mua sắm thiết bị, đoàn tàu từ 2028 – 2029; hoàn thành, vận hành thử và khai thác thương mại vào năm 2030.