Doanh nghiệp địa ốc phía Nam cho biết, thưởng Tết năm nay đa phần là lương tháng thứ 13 đối với doanh nghiệp có sản phẩm mở bán, trong khi môi giới bất động sản hầu như không có thưởng Tết.
Tết 2025 vẫn là một cái Tết buồn của nhân sự ngành bất động sản phía Nam |
Thưởng lớn nhất là lương tháng 13
Bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Địa ốc Kim Oanh cho biết, năm nay, mức thưởng Tết của doanh nghiệp cho nhân viên là lương tháng thứ 13, kèm theo phần quà Tết cho cán bộ, công nhân viên toàn.
Cũng theo bà Oanh, năm 2024 vẫn là năm khó khăn với doanh nghiệp địa ốc, nên việc thưởng Tết là một điều cố gắng của doanh nghiệp. “Mong rằng, năm 2025, thị trường sẽ ổn định, mức thưởng Tết sẽ cao hơn”, bà Oanh nói.
Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông cho biết, Công ty đã có chính sách thưởng Tết cho cán bộ, công nhân viên và người lao động. Trong đó, thưởng vẫn ở mức lương thứ 13, cũng như các phần quà cho bán bộ, công nhân viên. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng thưởng thêm Tết Dương lịch.
Theo tìm hiểu của phóng viên, với hàng loạt doanh nghiệp địa ốc lớn, như Novaland, Trường Sơn Land, Cát Tường Group, Trần Anh Group…, mức thưởng Tết năm nay cũng chỉ là lương tháng thứ 13. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp như Nam Group, Kiến Á, Hưng Thịnh… chưa có kế hoạch cụ thể về thưởng Tết.
Năm 2024, thị trường bất động sản có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng nội lực của doanh nghiệp trong ngành vẫn “bất ổn” và rất khó khăn về tài chính.
Đối với các doanh nghiệp môi giới bất động sản, Tết 2025 vẫn là một năm buồn của nhân viên môi giới khi hầu như không có thưởng Tết.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holdings cho biết, năm nay là năm đầu tiên, doanh nghiệp không có thưởng Tết cho nhân viên. Cũng theo ông Hậu, tuy không có tiền thưởng, nhưng công ty cũng cố gắng chuẩn bị một phần quà cũng như vé tàu xe cho nhân viên về quê ăn Tết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các sàn môi giới bất động sản đang cố gắng đẩy mạnh bán hàng cuối năm và lãnh đạo các doanh nghiệp này cho biết là sẽ không có thưởng Tết.
Ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản I.P Land – doanh nghiệp có hơn 130 nhân viên môi giới – cho biết, doanh nghiệp chỉ có thể thưởng Tết cho mỗi nhân viên kinh doanh 2 triệu đồng.
“Hầu hết doanh nghiệp môi giới sẽ không có thưởng Tết cho nhân viên kinh doanh, bởi năm 2024 là năm vô cùng khó khăn với doanh nghiệp môi giới”, ông Thành nói.
Nhiều doanh nghiệp nợ lương
Hỏi về thưởng Tết, nhiều người lao động ở các doanh nghiệp địa ốc lớn phía Nam cho biết, đó là điều quá xa vời và cái họ mong nhất là được nhận lương mà doanh nghiệp đã nợ nhiều tháng qua.
Anh Nguyễn Văn Tùng, chuyên viên pháp chế Tập đoàn Danh Khôi cho biết, doanh nghiệp đang nợ anh 6 tháng lương. Mới đây, lãnh đạo Tập đoàn thông báo doanh nghiệp sẽ nghỉ Tết từ ngày 1/1/2025 và chưa có ngày làm việc trở lại.
“Cái tôi mong là doanh nghiệp có thể trả được một vài tháng lương còn nợ cho người lao động, chứ không mong gì tới thưởng Tết”, anh Tùng nói.
Không chỉ Tập đoàn Danh Khôi, hiện nay, nhiều doanh nghiệp khác như Tập đoàn H.T, H.B… cũng nợ lương nhiều tháng.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp từng được biết tới là doanh nghiệp lớn của thị trường bất động sản phía Nam, nhưng nay chưa thể hồi phục, nhân sự chỉ chỉ giữ lại khoảng 20% và làm việc cầm chừng.
Chẳng hạn, tại Tập đoàn Kiến Á, nhân viên doanh nghiệp này mỗi tuần chỉ làm việc 1 – 2 ngày. Công ty Gotec Land hiện chỉ còn khoảng 20% lao động và số lao động này là cấp phó phòng trở lên. Mỗi tuần, doanh nghiệp chỉ làm khoảng 2 buổi…
Một lãnh đạo của Gotec Land cho biết, doanh nghiệp vẫn đang đợi lãnh đạo UBND TP.HCM gỡ vướng cho dự án tại quận 7 để có thể triển khai xây dựng và bán hàng. Khi đó, dòng tiền mới có để doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên làm việc cũng như hoạt động trở lại bình thường.
Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn cho biết, năm 2024, thị trường bất động sản có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng nội lực của doanh nghiệp vẫn “bất ổn” và rất khó khăn về tài chính.
Ông Trần Đức Vinh, Chủ tịch Tập đoàn Địa ốc Trần Anh cho biết, những năm gần đây, việc thưởng Tết bằng nhà hay các hiện vật giá trị là rất hiếm. Đối với nhiều doanh nghiệp bất động sản, việc duy trì được lương tháng thứ 13 cũng đã là một nỗ lực lớn.
Hầu như các doanh nghiệp lớn vẫn chưa thể hồi phục, ra hàng mới để mở bán. Các doanh nghiệp có hàng mở bán cũng khá đau đầu vì dự án dù được cấp phép xây dựng, nhưng vẫn chưa được địa phương định giá được nghĩa vụ tài chính đất để doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ tài chính để mở bán chính thức, nên không thể bán hàng.
Ngoài ra, ông Vinh cho rằng, dù lượng hàng bán ra nhiều, nhưng giao dịch vẫn rất hạn chế, có những dự án bán cả năm không nổi 10 giao dịch. Đây là những khó khăn mà doanh nghiệp còn phải đối mặt trong năm 2025.
Ông Võ Thành Đạt, Tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc tại Long An cho biết, kể từ đại dịch đến nay, doanh nghiệp đã rất khốn đốn, các lãnh đều phải cầm cố tài sản để duy trì hoạt động. Vì vậy, việc “tồn tại được đã là điều may mắn”, chứ không dám nghĩ đến việc thưởng Tết.
Nguồn: https://baodautu.vn/soi-thuong-tet-cua-doanh-nghiep-dia-oc-phia-nam-d235956.html